In bài viết

Bầu trời mở ASEAN: ‘Chơi cùng sân, cạnh tranh cùng luật’

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, thị phần quốc tế của các hãng hàng không nước ta năm 2015 là 48,1%, còn 4 tháng đầu năm 2016, con số này đã là 43%.

04/06/2016 15:36

Kết quả cho thấy các hãng hàng không đã tận dụng rất tốt cơ hội của việc “mở cửa bầu trời ASEAN” khi các đường bay quốc tế liên tục được các hãng hàng không trong nước khai thác.

Tự do tiếp cận, tự do về giá

Theo Chiến lược ngành giao thông vận tải ASEAN giai đoạn 2016-2025, các Bộ trưởng trong ASEAN đã ký Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 9 dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.

Ở gói cam kết này, Việt Nam đưa ra bản nâng cao đối với các phân ngành dịch vụ như: Sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay; bán và tiếp thị sản phẩm; đặt giữ chỗ bằng máy tính; thuê tàu bay kèm tổ bay; thuê tàu bay không kèm tổ bay.

Về kết nối thể chế, Việt Nam là một trong số các nước đầu tiên hoàn tất việc ký kết và phê duyệt tất cả các Hiệp định khung ASEAN và các Nghị định thư thực hiện về tạo thuận lợi vận tải đã ký kết trong ASEAN cũng như các thỏa thuận hợp tác vận tải hàng không theo đúng lộ trình hội nhập vận tải hàng không (RIATS), tiến tới hình thành thị trường vận tải hàng không thống nhất ASEAN.

Về việc hình thành thị trường vận tải hàng không thống nhất ASEAN, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, trước đây, trong lĩnh vực hàng không, các quốc gia cùng ký một hiệp định mang tính điều tiết. Điều này có nghĩa là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào việc cho phép số lượng đường bay, số lượng hãng hàng không tham gia thị trường; số lượng điểm đi, điểm đến, tần suất bay... Sự điều tiết này có thể không phải dựa trên cơ sở thị trường mà có thể quyết định trên việc bảo vệ lợi ích của hãng hàng không.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, đã có sáng kiến thành lập một thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASEAN Single Aviation Market - ASAM), thực hiện bầu trời mở ASEAN.

Theo ông Cường, bầu trời mở giống như một "sân chơi" chung với các chính sách đồng nhất. Nghĩa là khi chúng ta có được đặc quyền này thì các hãng hàng không khác trong ASEAN cũng sẽ có đặc quyền đó.

Những vấn đề về kỹ thuật như bảo đảm an ninh an toàn, công nhận giấy phép, tuân thủ các quy định của mỗi quốc gia như nhau. Còn nội dung quan trọng nhất của bầu trời mở chính là việc tự do hóa quyền tiếp cận thị trường. Theo đó, muốn bay đến điểm nào, thiết lập đường bay ra sao, bay một tuần bao nhiêu chuyến, máy bay loại gì… tất cả đều do hãng hàng không tự quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường.

Đến năm 2013, khi thực hiện bầu trời mở ASEAN, ba hiệp định đa biên về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách đã được ký kết, đi kèm là các Nghị định thư thực hiện để tự do hóa thương quyền giữa bất kỳ thành phố có sân bay quốc tế nào trong ASEAN. Cho đến nay, Việt Nam cùng với Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia và Campuchia đã phê duyệt hoàn toàn ba hiệp định và các Nghị định thư thực hiện.

Hành khách được lựa chọn nhiều hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn

Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) nhận định đối với ngành hàng không Việt Nam, ASAM vừa là cơ hội vừa là thách thức.

“ASAM tạo ra cơ hội để tăng cường kết nối, phát triển mạng đường bay quốc tế khu vực và trong nước nhưng cũng tạo ra những thách thức là yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không phải theo kịp và đi trước nhu cầu tăng cao cả về hành khách lẫn hàng hoá, giữa các hãng cũng có sự cạnh tranh gay gắt hơn”, ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, ông Võ Huy Cường lại cho rằng thực chất, các hãng hàng không của Việt Nam đã có nhiều năm cạnh tranh trong môi trường tự do hóa rồi.

Ví dụ đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã cơ bản hoàn thiện mạng bay, khai thác với tần suất tương đối dày đặc. Hãng này cũng đã đầu tư đội bay A321 (hơn 50 chiếc) phù hợp với việc khai thác trong khu vực. Các hãng mới như Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng đã bắt đầu khai thác tương đối tốt các thị trường ASEAN. Vì thế sức cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam khá ổn.

Bên cạnh đó, ông Võ Huy Cường cũng khẳng định, việc mở cửa bầu trời sẽ mang đến cho hành khách cơ hội lựa chọn nhiều hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn, cụ thể là số lượng tần suất bay được gia tăng, nhiều đường bay mới được mở. Như đường bay Singapore-Việt Nam hiện có rất nhiều hãng hàng không đang khai thác (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Singapore Airlines, Jetstar Asia, Silk Air, Tiger Air…) với hơn 20 chuyến bay/ngày, bao gồm cả dịch vụ đầy đủ và dịch vụ tối thiểu, cả giá cao và giá rẻ.

Phan Trang