Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 được phát động từ tháng 2/2022 nhằm tìm kiếm những sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống. Đây là cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên dưới 40 tuổi trong cả nước, hướng đến 5 lĩnh vực gồm: Y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới.
Ngay lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu trẻ từ các viện, trường đại học trong nước và nước ngoài, với hơn 100 hồ sơ tham gia. Sau vòng sơ loại, Ban Giám khảo đã chọn 29 dự án vào vòng chung kết.
TS. Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban Giám khảo đánh giá, một số bài thi đã chỉ ra được tính mới về mặt công nghệ như xu hướng mới như ứng dụng blockchain, công nghệ lĩnh vực hóa học, nông nghiệp sạch, môi trường.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các tác giả.
Theo đó, giải Đặc biệt (trị giá 100 triệu đồng) được trao cho sang kiến "Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả" của tác giả Đồng Quang Hùng, Công ty TNHH Zunibal Việt Nam.
Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò cá đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: Tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến đi.
Ưu điểm lớn của giải pháp là chỉ với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ và tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 đến 5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu. Giải pháp cũng giúp cung cấp nguồn dữ liệu có ý nghĩa trong việc đánh giá dự báo ngư trường, phục vụ cơ quan nghiên cứu và dự báo nguồn lợi khai thác hải sản.
Theo tác giả, với khoảng gần 44.000 tàu các nghề (lưới vây, lưới rê, câu cá ngừ đại dương), giải pháp này có thể đem đến quy mô thị trường giá trị lên đến 5 triệu USD/năm (10 USD/tàu/tháng).
Sự kết hợp mang tính cải tiến và đột phá của giải pháp nói trên giúp mở ra hướng khai thác mới cho ngành ngư nghiệp Việt Nam, nhất là ở tại các vùng biển xa bờ, ngư trường truyền thống và vùng biển nước sâu nơi trữ lượng hải sản dồi dào.
Giải Nhất cuộc thi (trị giá 50 triệu đồng) được trao cho sáng kiến "Chiết tách lycopen từ quả gấc" của nhóm nhà khoa học G5-nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đây là công trình đã tách chiết thành công lycopen tinh khiết 98% và nano lycopen dễ tan trong nước.
Lycopen và hệ nano lycopen là những nguồn dược liệu quý, có tiềm năng ứng dụng lớn trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghệ thực phẩm. Nhận thấy hàm lượng lycopen từ quả gấc cao gấp 70-100 lần so với cà chua, sau 3 năm nghiên cứu nhóm nhà khoa học G5 đã tách chiết thành công.
Đưa ra quy trình công nghệ đơn giản, giải pháp này có thể giúp các công ty hóa mỹ phẩm, thực phẩm nhập được nguồn nguyên liệu có độ tinh khiết cao với giá cả hợp lý. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, 1 kg lycopen chiết được có giá khoảng 50- 60 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với các sản phẩm ngoại nhập (giá trên dưới 150 triệu đồng trên thị trường). Nghiên cứu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 1/2021.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cho các giải pháp khác.
Theo Ban Tổ chức, các sáng kiến được vinh danh đều có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề từ cuộc sống, tiềm năng ứng dụng góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế.
Hoàng Giang