Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, tình hình thiên tai trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2022 diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới; hiện tượng giông, lốc xoáy, triều cường, sóng to, gió lớn trên biển...
Vì vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 4254/UBND-KT ngày 7/7/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công văn số 2097/UBND-KT ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống bão, triều cường năm 2022 và Công văn số 20/PCTT ngày 19/4/2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc chủ động phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão năm 2022.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án bảo vệ, quy trình vận hành công trình trình cấp thẩm quyền phê duyệt và phương án hộ đê (đối với các tuyến đê do công ty quản lý). Chủ động phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn, vận hành, điều tiết nước phù hợp với tình hình mưa bão, triều cường. Kiểm tra các tuyến đê sông (do công ty quản lý), đồng thời, có phương án xử lý, khắc phục ngay khi có sự cố công trình.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị chủ đầu tư công trình tăng cường kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang trong giai đoạn thi công, nhất là đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các cống,...
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng xung kích của địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, gia cố, khắc phục ngay những hư hỏng, kịp thời tổ chức gia cố, tôn cao ngay ở những nơi còn thấp, tràn nước, các khu vực trọng yếu như: Đê bao các cồn, đê bao vườn cây ăn trái, đê bao tại các khu vực nuôi thủy sản, các công trình đầu mối, các tuyến bờ bao…; đề nghị có phương án hỗ trợ, hướng dẫn người dân sinh sống tại các khu vực xung yếu, ngoài đê, những nơi trũng thấp chủ động ứng phó khi triều cường dâng cao.
Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh, rạch; đặc biệt là những khu vực có diễn biến sạt lở như: Cồn Tam Hiệp, cồn Thành Long, cồn Phú Đa (lưu ý đối với các đoạn đê bao xung yếu đã và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở đi qua khu vực nuôi thuỷ sản của các doanh nghiệp, hộ dân), các điểm sạt lở bờ biển huyện Ba Tri, Thạnh Phú,...; có kế hoạch sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các biện pháp về phòng tránh đuối nước, điện giật... cho người dân, học sinh, nhất là tại các khu vực dân cư tập trung và khu vực thường xuyên bị ngập nước do triều cường, mưa lớn tránh xảy ra các trường hợp tai nạn đáng tiếc. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức, vận hành các công trình thuỷ lợi trên địa bàn phù hợp với diễn biến, tình hình thiên tai, triều cường.
Vũ Phong