Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm đạt 64,22%
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập ; 1 trung giáo dục thường xuyên có chức năng tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được phân bố đồng đều giữa các địa phương, các trường cao đẳng và trung cấp, tập trung chủ yếu ở các địa bàn đô thị. Các cơ sở GDNN ngoài công lập tuy có xu hướng tăng, nhưng vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong tổng số các cơ sở và chủ yếu đào tạo những nhóm nghề đầu tư thấp. Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở GDNN khoảng 11.000 người, trong đó cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 9.000 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển hướng từ "cung" sang "cầu", sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 64,22%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34,57%.
Những năm gần đây, xu hướng học sinh, sinh viên học các ngành nghề kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp tăng. Tỉ lệ lao động có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo của các nghề như: Cơ khí cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang... đạt trên 90%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã có bước chuyển biến, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với thị trường lao động, qua đó đã chuyển đổi việc đào tạo từ các ngành học về quản lý kinh tế sang các ngành kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy tại các cơ sở GDNN thường xuyên được cập nhật, bổ sung kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo theo hướng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tay nghề gắn với vị trí việc làm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hàng năm được đầu tư, nâng cấp tăng về số lượng và chất lượng phục vụ cho nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được củng cố, các ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn, người lao động có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp, làng nghề, tổ hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của GDNN.
Đẩy mạnh xã hội hoá, tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở GDNN
Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (được UBND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 10/7), địa phương phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho người học; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2030, đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển đồng bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các trường cao đẳng đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 28, trong đó cơ sở GDNN công lập có 16 đơn vị gồm: 2 trường cao đẳng, trong đó có 1 trường cao đẳng tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 với năng lực tài chính đảm bảo tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 1 trường cao đẳng trực thuộc Bộ, ngành Trung ương có năng lực tài chính đảm bảo chi thường xuyên; 1 trường trung cấp có năng tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; 9 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện…
Về trình độ đào tạo, đến năm 2030, đạt khoảng 12.000 người/năm; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng: 1.500 người (chiếm 13%), trung cấp 2.000 người (chiếm 17%), trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.500 người (chiếm 70%). Theo ngành, nghề đào tạo, đến năm 2030: Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.080 người/năm, chiếm 34%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 3.600 người/năm, chiếm 30%; thương mại và dịch vụ đạt 4.320 người/năm, chiếm 36%.
Nhật Thy