Theo đó, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7.047 người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Australia, Ba Lan và một số quốc gia khác (trong đó: Nhật Bản 6.559 người; Hàn Quốc 163 người; Đài Loan 191 người; Ba Lan 17 người; Australia 19 người; Đức 24 người, các thị trường khác 74 người); lao động thuộc hộ nghèo 237 người; hộ cận nghèo 226 người; bộ đội xuất ngũ 429 người; thân nhân người có công 11 người; người lao động thuộc diện mồ côi, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội 17 người; hộ tham gia chương trình khởi nghiệp thoát nghèo 2.711 người; lao động trong độ tuổi thanh niên 6.551 người.
Địa phương có số người lao động tham gia nhiều nhất là huyện Ba Tri với số lượng tham gia 2.077 người, kế đến huyện Giồng Trôm 1.437 người, huyện Mỏ Cày Nam 628 người, Bình Đại 593 người, Thạnh Phú 574 người, Châu Thành 564 người, Mỏ Cày Bắc 539 người, thành phố Bến Tre 356 người và Chợ Lách 279 người. Ngành nghề mà người lao động của tỉnh tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chủ yếu là sản xuất chế tạo, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp và một số ngành dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, điều dưỡng,…
Số lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn là 2.965 người (nữ 875 người), lao động có việc làm trong tỉnh 614 người, lao động có việc làm ngoài tỉnh 1.164 người, lao động khởi nghiệp tại địa phương 489 người. Số lao động hiện còn đang làm việc ở nước ngoài là 4.753 người (nữ 2.321 người).
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hàng năm, các ngành chức năng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể, cùng các địa phương tổ chức tuyên truyền cho người lao động ở các địa phương với nhiều hình thức như: Thông qua các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm và các huyện trong tỉnh, các buổi họp mặt, đối thoại với người nghèo hoặc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu hỏi - đáp, tờ rơi,… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để tích cực vận động người lao động đăng ký tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong 5 năm qua Trung tâm dịch vụ việc làm đã đào tạo miễn phí cho 189 người lao động học tiếng Nhật và mở 22 lớp tiếng Hàn với số lượng 467 học viên. Trung tâm đã phối hợp tổ chức thành công 41 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm và các huyện trong tỉnh. Số lượng người lao động tham gia là 15.446 lượt người, trong đó đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài tại các phiên giao dịch việc làm là 793 người, tập trung chủ yếu ở nước thị trường truyền thống như: Nhật Bản 668 người, Hàn Quốc 112 người, Đức 10 người, Australia 3 người góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm thường xuyên cập nhật và truyền tải thông tin tuyển dụng, các đơn hàng trên zalo, facebook hay live stream với các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, để người lao động truy cập thông tin về việc làm trong nước và ngoài nước lựa chọn đăng ký tham gia.
Thực tế cho thấy, ở những địa phương có tỉ lệ người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài cao thì sẽ có sự thay đổi rõ nét về mức sống của người dân như: Nhà cửa khang trang, lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, sản xuất phát triển hơn so với trước… Với hơn 2.321 lao động đi làm việc ở các nước, bình quân mỗi năm mang về cho tỉnh trên 696 tỷ đồng. Có nhiều lao động trước đây thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về thoát nghèo một cách bền vững và trở thành hộ khá, giàu. Nhiều lao động còn trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở các địa phương.
Qua khảo sát, tỉnh Bến Tre hiện có 489 lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước khởi nghiệp và trở thành chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh như: Bán thức ăn gia súc, sửa đồ điện, điện thoại di động, cửa hàng sắt, cơ sở sản xuất thạch dừa,… số lao động còn lại đều làm việc ở các khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An,… Ngoài ra, còn có nhiều người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài từ những thị trường có thu nhập thấp, sau khi kết thúc hợp đồng, tiếp tục tham gia ở những thị trường khác có thu nhập cao hơn.
Hầu hết người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước đều có việc làm và thu nhập ổn định, không có trường hợp thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ở các địa phương, do tính năng động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và kinh nghiệm làm việc mà người lao động đã học tập được từ các nước trong suốt quá trình tham gia làm việc ở nước ngoài.
NT