Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 1.500 điểm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm.
Đặc biệt, đối với dịch vụ công, phấn đấu toàn tỉnh có từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90-100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM. Đồng thời, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, trong năm 2021, số giao dịch TTKDTM qua các dịch vụ ngân hàng trên địa bàn (ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, séc, thẻ, ví điện tử, internet banking, mobile banking…) đạt hơn 44 triệu giao dịch với tổng giá trị 525.666 tỷ đồng, tăng lần lượt 277% và 70% so với năm 2020.
TTKDTM trong lĩnh vực công cũng có bước phát triển. Đến cuối năm 2020, 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí và 57,2% số sinh viên tại trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện tại TP. Bến Tre chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Vũ Phong