Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 (Đề án 02). Tiếp đó, ngày 1/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3706/KH-UBND về thực hiện Đề án số 02 về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh đã tập trung việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch…
Xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch
Trong dự kiến danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 (114 dự án), có 31 dựa án về lĩnh vực du lịch. Đến thời điểm này (sau hơn 1 năm thực hiện Đề án 02), nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai.
Cụ thể, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại 8 xã ven sông Tiền với tổng mức đầu tư 199 tỷ đồng (2 giai đoạn), đến cuối năm 2021 đã giải ngân 149 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Công trình bến tàu du lịch tại công viên bờ Nam sông Bến Tre thuộc địa bàn xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ đồng đã được khởi công.
Trong khi đó, tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại, TP. Bến Tre… nhiều công trình giao thông, bến thủy nội địa… phục vụ du lịch cũng được nâng cấp.
Tính đến hết tháng 3/2022, tỉnh Bến Tre đã thu hút được 32 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, 5 dự án vừa kinh doanh, vừa tiếp tục đầu tư; 8 dự án đang trong giai đoạn đầu tư.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, xây dựng Đề án Làng dừa Mỏ Cày Nam.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Từ năm 2021, ngành du lịch Bến Tre tiếp tục hoàn thiện và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo phục vụ khách du lịch.
Trong đó, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tiếp tục tập trung phát triển ở 8 xã ven sông Tiền, 3 xã phía nam TP. Bến Tre. Các dự án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ và khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Quy đang được tiếp tục triển khai.
Đề án Làng dừa Mỏ Cày Nam đang xúc tiến hình thành, trong khi đó, Bến Tre kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái cồn Thành Long, xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam).
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận, trong đó, có 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Các công ty lữ hành thường tổ chức các chương trình du lịch cho du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm tại các làng nghề truyền thống như: Làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Chợ Lách; làng nghề sản xuất kẹo dừa, các cơ sở chế biến dừa; làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề đan đát, thắt hoa...
Ứng dụng công nghệ quảng bá du lịch
Sau khi được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre "Ben Tre Tourism" do Sở VHTT&DL tỉnh quản lý, vận hành đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2022.
Ứng dụng "Ben Tre Tourism" (gồm 4 thứ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung) có thể được tải và cài đặt từ CHPlay cho nền tảng di động Android và từ App Store cho nền tảng IOS.
"Ben Tre Tourism" cung cấp thông tin các hoạt động du lịch, các sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin về chất lượng, giá cả các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gồm lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán lẻ, máy giao dịch tự động và các dịch vụ khác dành cho khách du lịch (các phương tiện di chuyển đường bộ, vận chuyển đường thủy nội địa, thời tiết, tra cứu hướng dẫn viên và từ điển dịch song ngữ Việt - Anh). Ứng dụng còn là kho tích hợp dữ liệu về tài nguyên du lịch, giới thiệu di tích, điểm đến, bản đồ số du lịch Bến Tre.
Đây là địa chỉ hữu ích cho du khách tìm đến để trải nghiệm thực tế cuộc sống tại xứ Dừa.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, nhất là từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, ngành du lịch tỉnh Bến Tre còn tích cực quảng bá du lịch tỉnh qua việc tham gia các sự kiện du lịch như: Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần II năm 2022; hợp tác xúc tiến phát triển du lịch giữa Bến Tre với Huế và TPHCM; quảng bá du lịch tại TPHCM; phối hợp thực hiện khảo sát để đưa vào phục vụ du khách tuyến du lịch liên kết gồm tuyến "Non nước hữu tình" và một số tuyến liên kết 6 tỉnh: Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh - Đồng Tháp…
Còn theo kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị này sẽ khảo sát, thẩm định 36 điểm để bình chọn "Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022", trong đó Bến Tre có 5 điểm.
Những hoạt động nói trên sẽ góp phần quảng bá rộng rãi du lịch Bến Tre.
Nâng cao kiến thức quản lý du lịch
Tiếp tục thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó có vai trò quan trọng của công tác quản lý, hiện Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện. Đây là hoạt động mới nhất của các cấp quản lý du lịch tỉnh Bến Tre.
Trong 5 ngày (từ 2-8/7/2022), các học viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức theo 6 chuyên đề: Tổng quan về du lịch và khách du lịch; chuyển đổi số và sự hình thành chính phủ số, nền kinh tế số ứng dụng cho hoạt động du lịch; giới thiệu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; một số vấn đề về tài chính tác động tới hoạt động du lịch trong giai đoạn hiện nay; học tập thực tế và nghe báo cáo một số vấn đề về thực trạng, thách thức của du lịch tại khu vực Tây Nam Bộ; một số vấn đề về du lịch văn hóa - văn hóa du lịch.
Lãnh đạo Sở VVTT&DL tỉnh nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh về vai trò quan trọng của phát triển du lịch; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực du lịch, các kiến thức cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn, để thực hiện Đề án 02 hiệu quả hơn, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, mang tính khác biệt, đặc trưng riêng của tỉnh, nhất là loại hình du lịch cộng đồng. Quan tâm tổ chức tốt các sự kiện để tạo điểm nhấn gắn với các công trình văn hóa, lịch sử để thực hiện tốt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Nguyễn Phương