Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng, để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện đầu tư dự án bảo đảm chất lượng; chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; không sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương được bổ sung ở trên trái mục đích (trong đó có việc chỉnh trang đô thị); thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Định kỳ hằng quý, báo cáo kết quả phân bổ, giao và tổ chức thực hiện, giải ngân số vốn được bổ sung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả giải ngân vốn của các dự án.
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh có 104 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 115 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; 8 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 19 km, làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 16 điểm bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở 6.774 m.
Nguyên nhân gây ra sạt lở là do đặc điểm địa hình của tỉnh Bến Tre có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài. Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới so với số điểm sạt lở đã thống kê. Tuy nhiên, mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng,...
Hiện nay, tỉnh còn khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai các giải pháp để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển như tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân. Địa phương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Cùng với đó, tỉnh kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở.
Từ năm 2020 đến nay, Bến Tre đã đầu tư xây dựng 22 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 37 km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng.
Nhật Thy