In bài viết

Bến Tre: Giải quyết vấn đề ô nhiễm từ hoạt động sản xuất than thiêu kết

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quan tâm đến mô hình có chi phí phù hợp với người dân. Đồng thời, hướng đến tìm hiểu các mô hình có chất lượng, hiệu quả cao hơn, tốt hơn để triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh.

10/05/2022 17:23
(Tin HĐ) Bến Tre: Giải quyết vấn đề ô nhiễm từ hoạt động sản xuất than thiêu kết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền nhằm vận động các cơ sở sản xuất giảm thiểu gây ô nhiễm

Sáng 10/5, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để thống nhất biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất than thiêu kết trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã báo cáo về tình hình ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất than thiêu kết trên địa bàn và đề xuất một số giải pháp xử lý.

Than thiêu kết là một nghề sản xuất truyền thống trên địa bàn, góp phần tiêu thụ nguyên liệu từ cây dừa, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập, an sinh xã hội cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hoạt động sản xuất than thiêu kết gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây bức xúc cho người dân sống trong khu vực xung quanh các lò than thiêu kết này.

Đại diện UBND các huyện, thành phố đã báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất than thiêu kết trên địa bàn, đồng thời đề xuất một số phương án, giải pháp xử lý các cơ sở sản xuất than gây ô nhiễm.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thống nhất gia hạn thời gian để khắc phục ô nhiễm môi trường đến năm 2023. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, gia hạn thời gian không có nghĩa là chấp nhận tiếp tục gây ô nhiễm mà phải triển khai giải pháp hạn chế ô nhiễm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất than thiêu kết phải thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm. Trước mắt, các ngành hướng dẫn người dân khắc phục ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp thủ công (như phun nước...).

Ông Trần Ngọc Tam cũng đề nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quan tâm đến mô hình có chi phí phù hợp với người dân. Đồng thời, hướng đến tìm hiểu các mô hình có chất lượng, hiệu quả cao hơn, tốt hơn để triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư vào khu vực sản xuất than thiêu kết ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh, tiến tới giảm các cơ sở thủ công gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở sản xuất chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường. Có lộ trình tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức được, chuyển đổi, nâng cao chất lượng hoạt động, không để ô nhiễm môi trường hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tăng cường quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, cấp huyện đối với lĩnh vực này.

Vũ Phong