Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 105 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Dự án gồm các hạng mục như xây dựng mới tuyến kè dài hơn 0,47 km tại bờ Bắc sông Giao Hòa; nâng cấp tuyến đường dài gần 1 km; sửa chữa, nâng cấp đỉnh kè và lan can tuyến kè dài hơn 1,1 km; sửa chữa, nâng cấp tuyến kè dưới cầu An Hóa dài 63 m. Dự án hoàn thành giúp ngăn chặn tình trạng xói lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, mất đất sản xuất, nhà ở và ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của hơn 300 hộ dân, đảm bảo ổn định tuyến đường giao thông nơi đây và một số đoạn kè đã được đầu tư cùng các công trình, cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Cuối năm 2023, UBND tỉnh Bến Tre đã có Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành.
Theo đó, sạt lở bờ sông Giao Hòa tại đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Giao Long, An Hóa có tổng chiều dài khoảng 800 m; làm mất một đoạn dài 45 m trên tuyến đường cấp huyện, phải ngưng giao thông nhằm đảm bảo an toàn.
Sạt lở cũng gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng như cầu An Hóa, tuyến QL57B. Khu vực sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp.
Trong khoảng 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km.
Năm 2023, tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung kinh phí 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, kinh phí bố trí cho phòng chống sạt lở bờ sông Giao Hòa khoảng 100 tỷ đồng; dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) khoảng 200 tỷ đồng.
NT