Theo Sở Nội vụ tỉnh, Bến Tre là một trong những tỉnh có số lượng biên chế CCVC khá khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, biên chế công chức được giao là 1.769 người; số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 20.160 người.
Tất cả công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đều đạt trình độ chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm, trong đó có 10 tiến sĩ, 744 thạc sĩ. Cán bộ, công chức cấp xã có 32 thạc sĩ, 2.508 trình độ đại học, 84 cao đẳng, 431 trung cấp, 31 sơ cấp.
Với số lượng CCVC tương đối ít, trong khi nhiệm vụ được giao thực hiện ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng, hiệu quả công việc ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ CCVC phải được nâng lên về chất và lượng. Mặt khác, trong xu thế hiện đại hóa nền hành chính, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, đòi hỏi CCVC phải được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, rèn luyện các kỹ năng để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC. Trước tiên là thực hiện tốt công tác tuyển dụng. Quy trình tuyển dụng CCVC được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định và đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh. Đa số những CCVC được tuyển dụng qua thi tuyển, xét tuyển cạnh tranh đều được các cơ quan sử dụng đánh giá cao.
Với yêu cầu cơ cấu hợp lý đội ngũ CCVC, bố trí nhân sự đúng vị trí việc làm và đảo bảo điều kiện, tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tỉnh cũng xin ý kiến Bộ Nội vụ để tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Các kỳ thi đã góp phần thực hiện chế độ, chính sách tiền lương cho người trúng tuyển. Mặt khác, khi tham gia kỳ thi, đội ngũ CCVC có động lực học tập, nghiên cứu, cập nhật thêm kiến thức để vận dụng trong quá trình công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính… cũng được tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện hằng năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng với số lượng 304 học viên; 2 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên với số lượng 191 học viên; một lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính với số lượng 93 học viên.
Tỉnh cũng đã mở 38 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại các huyện với khoảng 2.581 học viên. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục mở một lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, 2 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, một lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; mở 29 lớp bồi dưỡng ngắn ngày gồm: 11 lớp kỹ năng mềm, 18 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở các lĩnh vực: Nội vụ, thông tin và truyền thông (chuyển đổi số), văn hóa-du lịch.
Tỉnh đã quyết định cử 36 CBCCVC đi học sau đại học; 2 bác sĩ đi đào tạo bác sĩ nội trú; một công chức lãnh đạo tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp; 4 công chức bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp... Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho CCVC các cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên rà soát, thực hiện tinh giản biên chế nhằm sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ CCVC để đưa ra khỏi bộ máy những nhân sự chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và bổ sung vào bộ máy nhân sự mới có chuyên môn, năng lực công tác tốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã phê duyệt 144 trường hợp đủ điều kiện tinh giản biên chế và đang chuẩn bị tổ chức thi tuyển công chức các cấp. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, sử dụng, bố trí, đề bạt, đánh giá công chức, viên chức. Quy trình thực hiện quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá CCVC được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, dựa trên quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, sử dụng, bố trí và đánh giá đã giúp CCVC có động lực làm việc, định vị được giá trị của bản thân, phấn đấu vươn lên trong công tác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng quan tâm nhiều đến tạo môi trường làm việc thuận lợi, thoải mái cho CCVC; quan tâm trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công việc… Các chế độ, chính sách liên quan đến CCVC cũng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, tạo sự yên tâm công tác cũng như tạo cảm hứng, khuyến khích CCVC phấn đấu tốt hơn trong công việc và gắn bó với cơ quan. Mặt khác, tỉnh còn tăng cường tần suất thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở CCVC trong công việc khi chưa thực hiện tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Chất lượng đội ngũ CCVC là tiêu chí tổng hợp, đánh giá phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực và khả năng thích ứng, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Để bộ máy hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ CCVC phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, được bồi dưỡng kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Theo Sở Nội vụ, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC, cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới hình thức tuyển dụng công chức. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, tỉnh sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức, nội dung thi vòng 2, vừa kết hợp thi viết và phỏng vấn, nhằm đánh giá thí sinh ở nhiều phương diện, lựa chọn người hội đủ các yếu tố kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc nghiêm túc, chuẩn mực cho bộ máy nhà nước các cấp.
Thứ hai, điều chỉnh các vị trí việc làm, khung năng lực phù hợp tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu về năng lực, trình độ của từng vị trí…
Thứ ba, phân công, giao việc cụ thể, rõ ràng và có lộ trình thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện chế độ trách nhiệm một cách rõ ràng trong hoạt động công vụ. Từ đó, làm cơ sở để nhận xét, đánh giá thực chất, sát đúng đối với từng cá nhân theo định kỳ và chỉ ra những hạn chế để cá nhân khắc phục, sửa chữa.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CCVC. Bên cạnh bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, chức danh lãnh đạo, quản lý, sẽ chú trọng bồi dưỡng thực hành kỹ năng hành chính, nhằm khắc phục những hạn chế của đội ngũ CCVC.
Thứ năm, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với CCVC và thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch để có kế hoạch sử dụng nhân sự phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị, đị phương theo từng thời điểm, đồng thời cũng phần nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC chức của tỉnh.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ nhằm nhắc nhở, xử lý kịp thời việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ CCVC.
Vũ Phong