Xin ông cho biết một số kết quả quan trọng của tỉnh Bến Tre trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: GRDP năm 2021 tăng 1,33%; năm 2022 tăng 7,33%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 tăng lên 49,1 triệu đồng/người.
Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia với nhiều hình thức phù hợp nhằm giảm tỉ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, mời gọi một số nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực đến nghiên cứu, tìm hiểu để xúc tiến đầu tư các dự án lớn, nhất là dự án điện gió, năng lượng mới...
Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với 10 doanh nghiệp hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,... cũng đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2021-2022, tỉnh đã huy động được 42.819 tỷ đồng, đạt 32,9% so với chỉ tiêu 2021-2025 (130.000-140.000 tỷ đồng); riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 22.720 tỷ đồng, bằng khoảng 35,6% GRDP của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh có 1.066 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 21,32% chỉ tiêu 2021-2025 (thành lập mới 5.000 doanh nghiệp); thành lập mới 24 hợp tác xã, đạt 32% và 100 tổ hợp tác, đạt 66,67% chỉ tiêu 2021-2025.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 63 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc.
Năm 2022, Bến Tre đã công nhận 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 02 xã NTM kiểu mẫu). Huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa-xã hội chuyển biến tích cực; chính trị ổn định; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều kết quả tốt; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả đạt được qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là rất quan trọng, tạo tiền đề và niềm tin để toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông có thể cho biết thêm về Chỉ thị khơi dậy phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và phương châm "Hai chân-Ba mũi" của tỉnh? Đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào trong triển khai thực hiện Chỉ thị này?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Nhằm động viên cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động Phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo phương châm "Hai chân (gồm: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững)-Ba mũi (gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực)", với phương thức thi đua rõ ràng, thiết thực "Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua; xây dựng "điển hình", học tập "điển hình", bắt kịp "điển hình", vượt qua "điển hình".
Quán triệt Chỉ thị số 01-CT/TU, các cấp, ngành đã đề ra chỉ tiêu, đầu việc, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể và tổ chức phát động sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân. Qua 02 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" đã tạo được sự lan tỏa tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là phát triển đảng viên mới và công nhận chi bộ ấp, khu phố đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện vượt chỉ tiêu đề ra. Kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Song song đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, với nhiều hình thức phù hợp, giảm tỉ trọng vốn đầu tư từ ngân sách; tăng khả năng huy động nguồn lực từ xã hội, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thi đua sản xuất-kinh doanh, xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, hoạt động hiệu quả.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư được chú trọng tổ chức hiệu quả, đặc biệt là ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh với 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước về nhiều lĩnh vực; tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đáng chú ý là làm việc với Đoàn chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Ehime, Nhật Bản và nhiều tổ chức nước ngoài khác.
Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác đi thăm, làm việc tại Ấn Độ, EU... qua đó hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư đầy tiềm năng. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới.
Qua 02 năm thực hiện phong trào thi đua, toàn tỉnh đã xây dựng thành công hơn 100 điển hình trên các lĩnh vực và đang từng bước nhân rộng, góp phần tạo sự lan tỏa chung trên toàn tỉnh.
Năm 2022, Bến Tre đã khởi động nhiều dự án hạ tầng lớn như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao… Xin ông cho biết trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn nào giúp kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Năm 2023, tỉnh Bến Tre tập trung phối hợp phát triển hạ tầng giao thông; trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình kết nối và rút ngắn khoảng cách/thời gian đi lại giữa các tỉnh thuộc Tiểu vùng, vùng ĐBSCL, TPHCM,... trong đó, tập trung các dự án trọng điểm như: Đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Triển khai Dự án xây dựng cầu Đình Khao nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre. Đây là tuyến đường giao thông rất quan trọng kết nối liên tỉnh, giải quyết nút thắt giao thông trên tuyến QL.57, kết nối thông suốt tuyến đường huyết mạch giữa hai địa phương, phục vụ liên kết và phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh, của tiểu vùng duyên hải phía đông và của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với dự án này, tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã thống nhất về chủ trương và phương án tuyến xây dựng cầu Đình Khao, đồng thời đã trình thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết đồng thuận về đề xuất thực hiện dự án.
Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Đây là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy liên kết của Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TPHCM. Đối với dự án này, UBND tỉnh Bến Tre đã trình (lần 2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo đề xuất dự án, với tổng mức đầu tư 8.409,85 tỷ đồng. Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để sớm đi vào triển khai thực hiện dự án.
Xin ông chia sẻ những kỳ vọng và thông điệp mà tỉnh Bến Tre gửi đến người dân và doanh nghiệp trong năm mới Quý Mão 2023?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, then chốt tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến, phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước tuy trên đà phục hồi và tăng trưởng nhưng vẫn còn khó khăn; dịch bệnh, biến đổi khí hậu sẽ diễn biến khó lường... sẽ tiếp tục tác động đến sự phát triển chung của tỉnh, toàn Đảng bộ, doanh nghiệp và người dân tỉnh Bến Tre tiếp tục phát huy kết quả đạt được, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ cơ hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; nhất là tập trung thực hiện 03 khâu đột phá chiến lược: Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ những "điểm nghẽn", "nút thắt", đầu tư xây dựng và tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lựa chọn, ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư lớn là động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính kế thừa, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tập trung các giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thời cơ phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2023, xác định phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bốn là, thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển; huy động nguồn lực khai thác tối đa những lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch… tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài nước, nhằm huy động các nguồn lực, khai thác tối đa các lợi thế so sánh của tỉnh.
Năm là, tập trung giải quyết việc làm, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và giảm tai nạn giao thông.
Các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên phải được quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm, đảm bảo cho sự tăng trưởng cao và bền vững trong năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Phong (thực hiện)