Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, đạt được một số kết quả khả quan.
Thời gian tới, tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững với 6 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Dừa, cây ăn quả, cây giống và hoa cảnh, lợn, bò, tôm.
Đến năm 2025, giá trị sản xuất của các chuỗi đạt như sau: Dừa 1 tỷ USD, con tôm 1 tỷ USD, con bò 500 triệu USD; cây giống, hoa cảnh 500 triệu USD. Xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu tập trung với quy mô từ 20 - 22.000 ha nhóm sản phẩm dừa; 1.500 - 2.200 ha nhóm sản phẩm quả; 300 ha nhóm sản phẩm cây giống - hoa cảnh và 450 ha nhóm sản phẩm tôm (trong tổng số 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao), trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.
Phát triển công nghiệp chế biến
Chế biến dừa và thủy sản là 2 ngành công nhiệp chủ lực của Bến Tre.
Dừa là cây trồng chủ lực với diện tích 73.000 ha, lớn nhất cả nước. Giá trị sản xuất đạt từ 2.500 tỷ đồng (năm 2015) lên 5.880 tỷ đồng (năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu từ 183 triệu USD (năm 2015) lên 347 triệu USD (năm 2020).
Về thủy sản, Bến Tre có khoảng 45.000 ha nuôi trồng (11.000 ha nuôi tôm biển) và 2.115 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng khoảng trên 500.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất từ 5.335 tỷ đồng (năm 2015) lên 9.205 tỷ đồng (năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu từ 72,31 triệu USD (năm 2015) lên 78,254 triệu USD (năm 2020).
Dự báo ngành chế biến thủy sản, chế biến dừa ngày càng phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh tốt. Phấn đấu đến 2025, giá trị sản xuất dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 18,19%/năm. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 30,77% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Giá trị sản xuất ngành chế biến thủy sản tăng bình quân 16,7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 18%/năm. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu khoảng 180 triệu USD.
Chế biến dừa là một trong những ngành công nghiệp chủ lực ở Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi |
Phát triển năng lượng tái tạo
Bến Tre có bờ biển dài 67 km, thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Đây được xác định là ngành kinh tế đột phá cho tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn xa hơn.
Toàn tỉnh hiện có 22 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 3.145 MW. Tỉnh đã được phê duyệt 13 dự án với tổng công suất 828 MW.
Trong số các dự án điện gió được quy hoạch và giao nhà đầu tư, hiện có 2 dự án đang thi công. Nhà máy điện gió số 5, ven biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, công suất 30 MW (giai đoạn 1), đến nay cơ bản hoàn thành. Dự kiến phát điện trong quý I/2021.
Nhà máy điện gió số 10, số 11, công suất 30 MW (giai đoạn 1), đến nay đã hoàn thành thủ tục đầu tư. Dự kiến đóng điện, vận hành trong năm 2021.
Định hướng đến năm 2025, tỉnh tập trung đầu tư các dự án năng lượng sạch, gồm: Điện gió, điện mặt trời, đưa vào vận hành 1.500 MW và xúc tiến triển khai dự án năng lượng khí.
Phát triển điện mặt trời ở huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Báo Đồng Khởi |
Định hướng phát triển về hướng Đông
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Bến Tre đề ra 5 trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó có nhiệm vụ phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh với khát vọng đưa kinh tế phát triển bứt phá. Qua đó, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực (tiểu vùng duyên hải phía đông và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM) qua tuyến hành lang ven biển.
Mục tiêu của Bến Tre là đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, phá thế độc đạo chỉ lưu thông qua Quốc lộ 60, 57B, 57C và Quốc lộ 1; bổ sung trục giao thông mới ven biển; hình thành các khu đô thị, dân cư ven biển, nâng tỷ lệ đô thị hóa khu vực các huyện ven biển; thu hút đầu tư và hình thành ngành công nghiệp mới như năng lượng sạch; đầu tư cảng nước sâu trung chuyển trong nước và quốc tế, cảng phục vụ năng lượng khí.
(theo Báo Đồng Khởi)