Tiếp nối Chương trình số 10 về "Ðồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp", và Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025", UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Những tấm gương khởi nghiệp
Cô giáo Ngô Song Ðào, sinh năm 1971, giáo viên dạy môn Sinh học, Trường tiểu học-trung học cơ sở Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, đã dày công nghiên cứu từ thực tế giảng dạy của mình để sản xuất nhang sinh học từ cây quao nước thân thiện với môi trường. Năm 2017, dự án khởi nghiệp của cô giáo vùng sâu này đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia. Từ thành công ban đầu, cô giáo Song Ðào mạnh dạn thành lập công ty để sản xuất sản phẩm lấy tên nhang sinh học Thiên Phúc và đăng ký độc quyền sáng chế.
Sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng 4 sao và tạo việc làm cho gần 10 phụ nữ nghèo tại địa phương có thu nhập ổn định.
Chuyện khởi nghiệp của chị Huỳnh Thị Tuyết Mộng, sinh năm 1985, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xuất phát từ chính niềm đam mê đi du lịch trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Sau nhiều năm làm việc ở TPHCM, năm 2018, Tuyết Mộng cùng chồng quyết định về quê khởi nghiệp bằng dự án du lịch Homestay "Về Nhà" trên diện tích đất gần 1 ha của gia đình. Homestay (chỉ tiếp nhận khách du lịch đã đặt trước với số lượng khoảng 50 khách mỗi tuần nằm) trong một khuôn viên nhỏ bên dòng sông thơ mộng mang lại cho du khách cảm giác như chính ngôi nhà của mình. Tại đây, du khách được thưởng thức cảnh sông nước yên bình, những món ăn dân dã tươi ngon, khung cảnh lãng mạn, những trò chơi dân gian đã bỏ quên đâu đó trong tuổi thơ. Dự án khởi nghiệp này thành công đã tạo việc làm cho tám lao động nhàn rỗi là phụ nữ ở nông thôn với thu nhập ổn định.
Theo thống kê, trong 5 năm (2017-2022), có khoảng 550 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được thành lập mới trên địa bàn tỉnh, ngoài ra, có 13/177 hợp tác xã (HTX) là do phụ nữ điều hành.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, năm 2017, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình số 10 về "Ðồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp", sau đó UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 938 về thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình, đề án của tỉnh, Hội Phụ nữ các cấp ở Bến Tre đã tăng cường phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngân hàng thương mại; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" quan tâm hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí vươn lên… tiếp cận các nguồn vốn. Tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ là 2.731 tỷ đồng.
Toàn tỉnh cũng đã thành lập 2.804 tổ, hỗ trợ cho 85.550 phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ vốn tín dụng cho 15.715 thành viên, dư nợ cho vay 128 tỷ đồng và chương trình "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" dư nợ gần 15 tỷ đồng với 2.335 thành viên…
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của chị em phụ nữ ở Bến Tre vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới phân phối tiêu thụ của các doanh nghiệp hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Việc kết nối và đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khả thi hiệu quả còn thấp. Kinh phí hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp nữ khởi nghiệp được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại hằng năm còn ít…
Phát triển các HTX do phụ nữ tham gia quản lý
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các HTX nói chung và HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ nói riêng; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX, nhất là nữ giới. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, nhất là hội viên, phụ nữ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.
Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và thực hiện bình đẳng giới.
Cụ thể, đến năm 2030, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 15 HTX; 150 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Tạo việc làm ổn định cho ít nhất 70% thành viên, lao động nữ trong HTX và ít nhất 90% lao động nữ trong THT.
Phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 7 HTX và 15 THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 70% lao động trong HTX, THT là nữ).
100% nữ lãnh đạo, quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT, HTX, THT.
100% cán bộ Hội LHPN các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, THT được tập huấn kiến thức phát triển KTTT, HTX; ít nhất 90% cán bộ Hội LHPN các cấp được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT, HTX, THT.
Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh thành lập mới ít nhất 30 HTX và 100 THT, trong đó có 50% phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Tổng giám đốc/Giám đốc HTX, thành viên Ban kiểm soát).
Nhật Thy