Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nghị định nêu rõ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.
Sau 20 năm thực hiện (2002-2022), vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78 đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống người nghèo cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.
Nghị định số 78 góp phần kéo giảm hộ nghèo
NHCSXH TP. Bến Tre cho biết trong 20 năm triển khai Nghị định số 78, trên địa bàn TP. Bến Tre có 14.600 lượt hộ nghèo được vay vốn. Theo đánh giá của NHCSXH TP. Bến Tre, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ 3.028 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách còn giúp cho 8.015 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Bến Tre được vay vốn để học tập; 86 lao động vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và nguồn vốn cũng góp phần tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động…
Kết quả thực hiện Nghị định số 78 đã góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố xuống còn 1,08%; hộ cận nghèo còn 1,03% vào cuối quý I/2022. Qua đó cùng với Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND TP. Bến Tre, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Bến Tre Nguyễn Văn Thương cho biết nhu cầu vốn vay dành cho các đối tượng chính sách trên địa bàn TP. Bến Tre là rất lớn, nhất là vốn vay giải quyết việc làm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Do đó, UBND TP. Bến Tre sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành ủy và HĐND TP. Bến Tre ủy thác cho NHCSXH TP. Bến Tre theo chỉ tiêu hằng năm.
Bảo đảm an sinh xã hội, trợ lực xây dựng nông thôn mới
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành đã 14 chương trình với dư nợ hơn 320 tỷ đồng. Toàn huyện, có 48.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó, hỗ trợ 8.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 2.700 lao động được tạo việc làm từ; 95 lao động đi làm việc có thời hạn nước ngoài; 5.200 HSSV được vay vốn học tập.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đã đầu tư xây dựng hơn 40.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hơn 3.200 lao động được doanh nghiệp vay vốn để trả lương do ảnh hưởng dịch COVI-19 và gần 1.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo, nhà phòng tránh bão được xây dựng.
Tại huyện Thạnh Phú, 20 năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hoạt động tín dụng chính sách gặp nhiều thuận lợi. Chính quyền địa phương đã quan tâm việc hỗ trợ vcơ sở vật chất, địa điểm… nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Bên cạnh đó, việc huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH được triển khai kịp thời.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 433 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với khi nhận bàn giao (2003), với gần 12.500 khách hàng còn dư nợ.
Với huyện Mỏ Cày Nam, hoạt động tín dụng chính sách đạt kết quả khá toàn diện. Doanh số cho vay trong 20 năm đạt gần 1.170 tỷ đồng, giải quyết cho gần 67.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
Bên cạnh đó, hoạt động hiệu quả của 16 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và 333 tổ tiết kiệm vay vốn tại các ấp, khu phố đã giải quyết kịp thời nhu cầu và thủ tục cho các đối tượng vay vốn.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78, huyện Chợ Lách đã tập trung nguồn lực thông qua NHCSXH cho vay 71.370 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số 1.091 tỷ đồng
Nguồn vốn ưu đãi đã bao phủ 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng một các thuận lợi, kịp thời. Nhờ đó, 25.809 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần đưa 12.597 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 19.706 lao động; giúp 6.586 HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Nguồn vốn này cũng đã hỗ trợ xây mới và cải tạo 18.145 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.137 căn nhà cho hộ nghèo...
Tín dụng CSXH đã đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn huyện.
Tại huyện Ba Tri, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đến nay, với 30.682 lượt hộ nghèo được vay vốn đã có hơn 28.055 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 7.184 lao động, giúp cho 10.094 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 53.862 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, sửa chữa 1.458 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bến Tre, qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng trên mọi mặt của đời sống và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của địa phương và chiến lược phát triển của NHCSXH Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp hằng năm, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.
Nguyễn Phương