In bài viết

Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây Trung tâm Cấp cứu đa năng

(Chinhphu.vn) – BV Bạch Mai mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm Cấp cứu đa năng ngang tầm khu vực và quốc tế. Hiện, trung tâm cấp cứu của bệnh viện có 300-400 lượt khám/ngày, kết nối chuyên môn tới 35 bệnh viện tỉnh; 200 bệnh viện quận, huyện…

26/08/2024 21:12
Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây Trung tâm Cấp cứu đa năng- Ảnh 1.

Chương trình tiếp đón nghị sĩ Nhật Bản đến khảo sát các dự án viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/HM

Tại Chương trình tiếp đón nghị sĩ Nhật Bản đến khảo sát liên quan đến các dự án viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản (ODA) diễn ra ngày 26/8 tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Bệnh viện xây dựng một tòa nhà 9 tầng mới thành Trung tâm Cấp cứu đa năng mang tầm khu vực và quốc tế.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận từ 300-400 lượt cấp cứu – đây là những ca bệnh rất nặng, nguy kịch. Bệnh nhân đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành khu vực phía Bắc của Việt Nam. Họ chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai với sự tin tưởng, hy vọng và trông đợi lớn nhất được cấp cứu, điều trị bệnh hiệu quả tại bệnh viện tuyến cuối.

Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai đang kết nối chuyên môn với 35 bệnh viện tuyến tỉnh, hơn 200 bệnh viện tuyến quận, huyện và các bệnh viện tư nhân, chuyên khoa…

Vì vậy, hệ thống cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đang là hệ thống cấp cứu trung tâm nhất của khu vực miền Bắc.

Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây Trung tâm Cấp cứu đa năng- Ảnh 2.

Đoàn nghị sĩ Nhật Bản khảo sát các dự án viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/HM

"Với quy mô và công suất hoạt động như hiện nay, nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong việc xây dựng Trung tâm Cấp cứu đa năng thì chắc chắn Bệnh viện Bạch Mai sẽ nâng tâm khu vực và quốc tế về hệ thống cấp cứu người bệnh", PGS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Nếu được xây dựng, Trung tâm Cấp cứu đa năng sẽ có đầy đủ các chuyên khoa, từ khoa nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương… đến các hệ thống chụp chiếu, phòng mổ, phòng can thiệp mạch máu não, can thiệp tim mạch, đột quỵ… với quy mô tiếp nhận 600-800 lượt cấp cứu/ngày.

Tức là bệnh nhân sẽ không phải di chuyển sang các khoa, phòng thuộc toà nhà khác mà đảm bảo cấp cứu một cửa hiệu quả trong thời gian nhanh nhất. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về các khoa chuyên môn.

Đặc biệt, Trung tâm Cấp cứu đa năng sẽ có khả năng ứng phó với các thảm hoạ y tế, đồng thời đảm nhiệm chức năng là tuyến kỹ thuật cao nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác chỉ đạo tuyến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế, là hình mẫu phát triển cho chuyên ngành cấp cứu tại Việt Nam…

Vai trò trung tâm 

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, các nhiệm vụ chính hiện nay của Trung tâm Cấp cứu A9 là tiếp nhận, điều phối người bệnh nặng được chuyển từ các cơ sở y tế tuyến dưới; xử trí, điều phối người bệnh nặng đến các chuyên khoa trong bệnh viện. Sau khi cấp cứu, Trung tâm điều phối ngược lại các tuyến thông qua xử lý chuyên môn ổn định và bàn giao bệnh nhân về các tuyến.

Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai đang giữ vai trò trung tâm, bao gồm cấp cứu nội viện và ngoại viện. Ngoại viện là mạng lưới vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội và 115 các tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Sau khi tiếp nhận bệnh cấp cứu tại cộng đồng (nội khoa, ngoại khoa, chấn thương, các bệnh lý cấp tính), cấp cứu 115 sẽ vận chuyển về Trung tâm Cấp cứu A9 để đánh giá, xử lý ban đầu, xử lý chuyên khoa và chuyển đến các khoa phòng tiếp tục điều trị. Như vậy, vai trò kết nối, tương tác của Trung tâm Cấp cứu A9 rất rộng.

Sau nhiều năm phát triển, hiện nay Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thành lập các nhóm bác sĩ thuộc khoa cấp cứu của các bệnh viện khu vực phía Bắc. Khoảng 5.000 bác sĩ của các bệnh viện hiện đang tham gia các nhóm này với trách nhiệm điều phối, rút kinh nghiệm chuyên môn, cấp cứu khẩn cấp người bệnh… thông qua mạng lưới này. Nhờ vậy, công tác phân loại người bệnh không bị động, không ảnh hưởng chất lượng cấp cứu và không bỏ sót các ca mà cần xử lý gấp.

"Với vai trò như trên, Trung tâm Cấp cứu đa năng được xây dựng tại Bệnh viện Bạch Mai là nhu cầu bức thiết và được kỳ vọng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cấp cứu của người bệnh", TS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Đào Xuân Cơ đã chia sẻ những thành tựu đạt được từ các dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong hơn 20 năm qua. Các dự án đã giúp Bệnh viện Bạch Mai nâng cấp cả thế và lực, giúp Bệnh viện Bạch Mai khẳng định là bệnh viện tuyến cuối, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu Việt Nam.

Do đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân Việt Nam.

HM