In bài viết

BHXH Việt Nam giải thích việc tạm ngừng cấp thẻ BHYT có ảnh

(Chinhphu.vn) – Tính đến nay, việc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tạm ngừng mọi hình thức cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) có ảnh đã triển khai được hơn 1 tháng (từ 1/1/2011). Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với lãnh đạo BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.

01/02/2011 14:56


Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó Trưởng ban Sổ thẻ, BHXH Việt Nam trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ - Ảnh: Chinhphu.vn
PV: Xin ông cho biết lý do BHXH Việt Nam ngừng mọi hình thức cấp thẻ BHYT từ ngày 1/1/2011?

Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó Trưởng ban Sổ thẻ, BHXH Việt Nam: Từ trước tới nay, thẻ BHYT vẫn chưa có ảnh. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh phải xuất trình một loại giấy tờ tùy thân có ảnh như (chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên…) để được khám chữa bệnh.

Việc phát hành thẻ BHYT có ảnh cho người tham gia BHYT nhằm tạo điều kiện để người có thẻ chỉ phải xuất trình thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh, mà không cần kèm theo 1 giấy tờ tùy thân khác có ảnh với bệnh viện.

Tuy nhiên, việc phát hành thẻ BHYT có ảnh của người tham gia BHYT với số lượng lớn là 1 vấn đề khó, phức tạp. Đồng thời người tham gia BHYT cũng phải chi 1 khoản tiền cá nhân cho chụp ảnh, nếu tính trên bình diện chung thì khoản chi phí của xã hội là lớn.

Do đó, tại khoản 5, Điều 16, Luật BHYT (được thông qua ngày 14/11/2008) đã quy định: Chậm nhất đến ngày 1/1/2014 phải tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ BHYT có ảnh của người tham gia BHYT trong toàn quốc. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng Đề án cấp thẻ BHYT có ảnh, đồng thời tổ chức thí điểm việc cấp thẻ BHYT có ảnh cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương.

PV: BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm cấp thẻ BHYT có ảnh. Việc này cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Nghị: Để có cơ sở xây dựng Đề án cấp thẻ BHYT có ảnh trên địa bàn cả nước, ngay từ cuối năm 2009, đầu năm 2010 BHXH Việt Nam đã tổ chức thí điểm việc cấp thẻ BHYT có ảnh cho người tham gia BHYT. Cụ thể: Tại các tỉnh Gia Lai, Hà Giang và Thanh Hóa thực hiện in ảnh người tham gia trực tiếp trên thẻ BHYT; các tỉnh khác thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu nổi cho một số nhóm đối tượng hiện chưa có giấy tờ tùy thân có ảnh và chỉ thực hiện đối với thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ 3 năm trở lên.

Việc thí điểm này nhằm xác định nhóm đối tượng có thể nộp được ảnh, nhóm không có khả năng nộp ảnh; quy trình thu thập ảnh để chuyển thành dữ liệu; trang thiết bị phục vụ tác nghiệp và chi phí để thực hiện cấp thẻ BHYT có ảnh…

PV: Kết quả của việc thí điểm in ảnh của người tham gia BHYT trên thẻ ra sao thưa ông?


Mẫu Thẻ BHYT cá nhân có ảnh - Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Nguyễn Huy Nghị: Các địa phương thí điểm cấp thẻ theo hình thức in ảnh trực tiếp của người tham gia BHYT trên thẻ đã tổ chức chụp ảnh, thu ảnh ngay từ đầu năm 2010. Cụ thể: Tại Gia Lai, cơ quan BHXH đã trực tiếp xuống thôn bản của 11 xã, thị trấn thuộc 2 huyện trên địa bàn để chụp ảnh cho 23.017/26.484 người cần chụp ảnh. Về tổ chức thu ảnh, BHXH các tỉnh Gia Lai, Hà Giang, Thanh Hóa tiếp nhận được ảnh của 123.921 người và chuyển thành dữ liệu quản lý trên phần mềm tin học.

Sau khi có dữ liệu ảnh, BHXH các tỉnh này đã in và cấp được 156.026 thẻ BHYT có ảnh, trong đó có 29.265 thẻ BHYT do cơ quan BHXH tổ chức chụp ảnh, 126.761 thẻ BHYT do người tham gia nộp ảnh.

PV: Việc cấp thẻ BHYT có ảnh dán và đóng dấu nổi thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Nghị: Về việc dán ảnh và đóng dấu nổi trên thẻ BHYT, do mẫu thẻ BHYT mới có in sẵn khung ảnh, nên một số cơ quan, đơn vị, cá nhân người tham gia BHYT, đặc biệt là những người chưa có giấy tờ tùy thân có ảnh đã chủ động dán ảnh của người tham gia BHYT và đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố đóng dấu giáp lai trên thẻ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thời gian qua, BHXH các tỉnh thành đã cấp thẻ có dán ảnh cho trên 600.000 người tham gia BHYT.

PV: Vậy tại sao lại tạm ngừng thí điểm?

Ông Nguyễn Huy Nghị: Trong năm 2010, tổng cộng BHXH Việt Nam đã cấp thẻ BHYT có ảnh cho trên 750.000 đối tượng (cả in ảnh trực tiếp và dán ảnh có dấu nổi). Tuy nhiên, số lượng người tham gia BHYT trên toàn quốc là khoảng 51 triệu người. Và như vậy, năm 2010, BHXH Việt Nam phải cấp khoảng hơn 60 triệu lượt thẻ BHYT do có nhiều đối tượng thẻ BHYT chỉ có thời hạn 3 - 6 tháng. So sánh với số lượng thí điểm, ta thấy việc cấp thẻ BHYT có ảnh năm 2010 chỉ bằng 1% số lượng thẻ BHYT đã cấp.

Dự kiến năm 2011 cũng có khoảng 51 triệu người tham gia BHYT. Lượng thẻ phát hành cũng vào khoảng 60 triệu thẻ.


Mẫu Thẻ BHYT hộ gia đình có ảnh - Ảnh: Chinhphu.vn
Bên cạnh đó, từ thực tế thí điểm cấp thẻ có ảnh, BHXH nhận thấy việc tổ chức chụp ảnh cho người tham gia BHXH cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tại Gia Lai, BHXH không chụp được ảnh của trên 3.400 người do người dân đi làm rẫy xa thôn bản hoặc đi làm ăn ở vùng khác. Còn tại Hà Giang, cơ quan BHXH sau gần 4 tháng cũng chỉ chụp được ảnh cho 6.148 người tại 7 xã trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, người tham gia BHYT cũng có thể nộp ảnh cho BHXH. Nếu để in ảnh trên thẻ, mỗi người có thể nộp 1 lần cho một số năm, nhưng nếu dán ảnh trên thẻ thì đa số người tham gia (75%) phải nộp từ 1 – 4 ảnh/ năm tham gia BHYT. Đây là những người lao động trong các doanh nghiệp hiện đóng và nhận thẻ BHYT 3 tháng/lần. Giá trị mỗi tấm ảnh không lớn, nhưng nếu tính hơn 80 triệu người cần có ảnh để nộp thì cũng là một chi phí xã hội đáng kể.

Từ tình hình trên, BHXH Việt Nam tạm ngừng việc triển khai thí điểm phát hành thẻ BHYT có ảnh đối với mọi người tham gia BHYT từ 1/1/2011 để tiếp tục nghiên cứu thêm nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả hơn.

PV: Nếu không có ảnh trên thẻ BHYT, có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực khi khám chữa bệnh không thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Nghị: Khi không in hoặc dán ảnh trên thẻ BHYT thì người có thẻ BHYT phải xuất trình thêm một loại giấy tờ tùy thân có ảnh khi đi khám chữa bệnh. Nếu thực hiện đúng quy định này thì không có hiện tượng tiêu cực phát sinh khi đi khám chữa bệnh.

Mặt khác, để giải quyết đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như chưa có điều kiện làm chứng minh thư nhân dân hoặc các loại giấy tờ tùy thân có ảnh thì BHXH Việt Nam đang đề xuất phương án khác để xử lý trong trường hợp chưa có hoặc giấy tờ tùy thân không khớp với hồ sơ gốc tham gia BHYT.

PV: Như vậy, trước mắt, khi đi khám chữa, bệnh, người bệnh vẫn sử dụng thẻ BHYT không cần có ảnh như hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Nghị: Đúng vậy, trước mắt, tiếp tục thực hiện như hiện nay là khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh cần có thẻ BHYT không có ảnh và bất kỳ 1 loại giấy tờ tùy thân khác có ảnh (trừ trẻ em dưới 6 tuổi). Đối với thẻ BHYT cấp trước thời điểm 31/12/2010, còn giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2011 thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn sử dụng ghi trên thẻ (kể cả thẻ BHYT có ảnh và không có ảnh).

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hoài thực hiện

 

Tin liên quan:

Từ 1/1/2011, cấp thẻ bảo hiểm y tế không có ảnh