Theo TTXVN, sáng 17/1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và đồng phạm, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Trong lời nói sau cùng, các bị cáo được quyền trình bày trước tòa về những suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của bản thân để Hội đồng xét xử xem xét. Trong đó, các bị cáo có quyền nhận tội hoặc kêu oan, nêu những băn khoăn trăn trở của bản thân, nêu những tình tiết giảm nhẹ cho mình, có thể xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự, có thể nói về nỗi ân hận hoặc những cảm xúc khác khi thực hiện hành vi vi phạm…
Là người đầu tiên nói lời sau cùng tại Tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cho biết cảm nhận của bản thân bị cáo về phiên tòa đổi mới, dân chủ, công khai, khách quan, được tiến hành theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước; cảm ơn các luật sư tích cực tham gia phiên tòa với những ý kiến sắc sảo nhằm bào chữa cho bị cáo.
Bị cáo Đinh La Thăng nhớ lại: Cách đây 35 năm, bị cáo hăm hở chinh phục sông Đà, với mục tiêu vì dòng điện cho ngày mai hạnh phúc. Sau 35 năm công tác, trong đó có 33 năm vinh dự đứng trong đội ngũ của Đảng, trải qua rất nhiều đơn vị công tác, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, bị cáo luôn nỗ lực cố gắng vì tập thể, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước Tòa nói lời sau cùng như hôm nay, đây thực sự là sự đau xót, bất hạnh đối với bị cáo và gia đình.
Được Đảng và Nhà nước giáo dục, rèn luyện, bị cáo luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình tại các đơn vị công tác với cương vị là người đứng đầu. Tuy nhiên, tại PVN đã để xảy ra những khuyết điểm tồn tại, để hôm nay một số người nguyên là lãnh đạo của Tập đoàn phải ra trước tòa để chịu trách nhiệm.
Bị cáo Đinh La Thăng ngậm ngùi: Phải ra Tòa ngày hôm nay, bị cáo còn rất nhiều điều dang dở chưa kịp thực hiện.
Bị cáo còn nợ nhân dân tuyến đường bộ Bắc - Nam; nợ người dân tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; còn nợ người dân vùng sâu, vùng xa hàng ngàn cây cầu dân sinh, đảm bảo cho họ được đi lại an toàn, thuận tiện như người dân ở những vùng miền khác.
Bị cáo thấy bị cáo còn nợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh khát vọng đưa thành phố trở thành hòn ngọc Viễn Đông mà trước đây thành phố đã từng được coi như thế; nợ Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố bình an, không trộm cắp, không cướp giật; nợ người dân thành phố một khát vọng biến Củ Chi thành một trung tâm hành chính mới; nợ Cần Giờ một khát vọng trở thành một Singapore mới của người dân Việt Nam; nợ người dân đang sống tại những căn nhà ổ chuột; nợ các cháu học sinh về một chương trình giáo dục hiện đại không bị quá tải; nợ đến thăm một cháu bé bị bệnh… và còn rất nhiều món nợ khác.
Đối mặt với án phạt nghiêm khắc, bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước, xin lỗi nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ lao động ngành dầu khí, xin lỗi người lao động ngành giao thông vận tải, người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ niềm mong mỏi Hội đồng xét xử đánh giá đúng hành vi, đúng bản chất sự việc của từng bị cáo, theo quy định của pháp luật; đồng thời bày tỏ sự tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, tin tưởng ở đường lối xử lý công tâm, khách quan, công bằng, nhân văn của Hội đồng xét xử.
Ngay sau bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người tiếp theo nói lời sau cùng tại Tòa. Theo bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về hai tội: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và tham ô tài sản, đó là hai tội phải đối diện với án phạt rất nặng. Vì vậy, bị cáo mong rằng, Hội đồng xét xử thận trọng, công tâm xem xét cho bị cáo trên góc độ chứng cứ cụ thể, rõ ràng, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Kết thúc lời nói sau cùng của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày, bị cáo có vợ cùng 3 con nhỏ đang sống ở Đức. “Vợ bị cáo không biết tiếng Đức, sống bên đó nuôi 3 con rất vất vả. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử sau khi kết thúc vụ án cho phép bị cáo có nguyện vọng được sang Đức với gia đình để có điều kiện gần gũi, chăm sóc vợ con” – bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị.
Tiếp đó, bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) cho rằng bị cáo không cố ý làm sai, tuy nhiên trong công tác kiểm tra, đôn đốc công việc còn sơ suất, không chu đáo. Bị cáo Thực tự nhận thấy bị cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật…/.