Thời gian vừa qua, công an cả nước đã ra tay trấn áp tội phạm tín dụng đen trong đó có các app, web vay online. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, sau khi các công ty đòi nợ bị bắt, hình thức này lại càng hoạt động táo tợn hơn; hoành hành với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Trước đây mỗi app, mỗi web chỉ sử dụng dữ liệu 1 lần cho vay nhưng hiện nay có những app, web sử dụng dữ liệu 1 lần cho mấy chục app nhỏ bên trong.
Chỉ cần gõ cụm từ "vay online" trên google, sẽ hiện ra cả 100 trang web, app giới thiệu cho vay với mức lãi kinh khủng, vay 7 ngày lãi suất từ 5-12%/ngày (vay 15 triệu, giải ngân 9 triệu, 7 ngày lãi 6 triệu).
Có thể kể ra hàng loạt app tồn tại 3-4 năm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật như: senmo, findo, tamo, doctordong, atmonline... Cùng một loạt các trang web smallcity.vn (tockvay), h5.modong, h5.alocredit, h5.lalacredit, h5.firt-vay, h5.siêu-vay,h5.vui-vay, h5.unicredit, h5.vay-vang.
Các app này có nhiều chiêu trò manh động, sẵn sàng gửi chứng minh thư, quấy rối gia đình, người thân... bằng nhiều kiểu thách thức pháp luật.
Thêm vào đó là các app mới với chiêu trò đăng ký một lần, bên trong có hàng chục app nhỏ vay được cùng lúc như: h5.kimungvay.com, h5.ucashvay.top, h5.newdong.top, h5.cayphattai.top... đã đẩy bao người vào cảnh nợ nần, khốn đốn, gia đình ly tán, mất danh dự.
Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ vì nhận thức hành vi chưa đầy đủ, rủ nhau lập hội nhóm Facebook hướng dẫn nhau "bùng" app, kéo theo nhiều đối tượng lợi dụng thông tin lừa đảo người dùng.
Lợi dụng ưu điểm nhanh gọn, thuận tiện của hình thức vay online, các đối tượng lừa đảo vay tiêu dùng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, gây hoang mang và ảnh hưởng uy tín của các tổ chức tài chính hợp pháp.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến được chia thành 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen online vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên. Cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến đến từng hộ gia đình, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn mình quản lý để gửi thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác. Đặc biệt lưu ý thông tin: Các ngân hàng Nhà nước không cho vay tiền qua App nên khi có đối tượng gọi điện giả danh là nhân viên ngân hàng hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục vay tiền thì tuyệt đối không làm theo.
Vì vậy, khi có nhu cầu vay tiêu dùng, cần liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính uy tín được NHNN cấp phép hoạt động để được hướng dẫn về thủ tục.
Người dân khi nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản cần trình báo Cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin cần thiết để kịp thời xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, từ phía người dân cũng mong muốn Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, lập chuyên án, chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, xử lý dứt điểm các app, web vay tiền hiện nay.
Phương Liên-Anh Khoa