In bài viết

Bị sa thải khi mang thai, phải làm thế nào?

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Bùi Quốc Pháp (phapbq@...), vợ ông làm việc tại 1 Công ty, thời hạn hợp đồng lao động đến tháng 10/2014. Vợ ông đang mang thai, dự kiến sinh con vào tháng 9/2014, nhưng Công ty vừa thông báo sẽ cho vợ ông nghỉ việc vì giảm nhân sự. Ông Pháp hỏi, nếu vợ ông muốn khởi kiện công ty thì phải làm thế nào?

03/04/2014 09:20
Ảnh minh hoạ

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Pháp như sau:

Một trong những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nêu tại khoản 3 Điều 39 Bộ Luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) là lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

Theo khoản 3 Điều 155 BLLĐ, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Trường hợp vợ ông Bùi Quốc Pháp đang mang thai mà doanh nghiệp đang tồn tại, hoạt động ra thông báo  đơn phương chấm dứt HĐLĐ với vợ ông là trái pháp luật.

Vợ ông Pháp cần yêu cầu tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp bảo vệ, yêu cầu giám đốc công ty hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; hoặc làm đơn yêu cầu hòa giải viên do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cử để hoà giải tranh chấp lao động này. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày vợ ông Pháp bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Trường hợp vợ ông Pháp (là lao động nữ đang mang thai) bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ thuộc loại tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải do hòa giải viên lao động thực hiện. Vợ ông Pháp có thể khởi kiện ngay ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày vợ ông Pháp bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Căn cứ khoản 1 Điều 42 BLLĐ, Tòa án sẽ tuyên buộc doanh nghiệp phải nhận vợ ông Pháp trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày vợ ông Pháp không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật