In bài viết

Bí thư Bến Tre: Cá nhân hóa trách nhiệm, phân công rõ đầu việc để đẩy nhanh chuyển đổi số

(Chinhphu.vn) - Thực hiện công tác chuyển đổi số cần cá nhân hóa trách nhiệm, phân công rõ từng đầu việc; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

17/08/2022 09:17

Đây là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tại cuộc họp lần thứ 2 năm 2022 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bến Tre để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2022 và định hướng một số nội dung trọng tâm tiếp theo.

Bí thư Bến Tre: Cá nhân hóa trách nhiệm, phân công rõ đầu việc để đẩy nhanh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bến Tre ngày 16/8/2022 - Ảnh: bentre.gov.vn

Chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực

Ngày 20/10/2020, tỉnh Bến Tre công bố Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Mục tiêu của Đề án là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.  Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.

Đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh…

Kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 5%.

Đề án cũng hướng đến mục tiêu Bến Tre vào nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ hơn 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 50%.

Quyết liệt triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số

Sau cuộc họp cho ý kiến về quy chế hoạt động, phân công thành viên, định hướng một số nội dung lớn trong tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngày 3/3/2021, ngày 23/3/2022, Ban Chỉ đạo tổ chức họp trực tuyến kết nối đến các huyện, thành phố, xã, phường trong tỉnh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Ban Chỉ đạo đánh giá các nhiệm vụ của Đề án dù mới triển khai (tháng 10/2020) nhưng đã được thực hiện tương đối tốt.

Trong đó nổi bật là giải pháp triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã, ngành giáo dục và y tế. Những đầu việc trong năm 2021 do Ban Chỉ đạo đề ra đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện, duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng quá trình thực hiện chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đây là cơ sở để Bến Tre tiếp tục thực hiện Đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số lần thứ 2 tổ chức ngày 16/8, Giám đốc Sở TTT&TT tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Châu cho biết toàn tỉnh có 1.781 thủ tục hành chính (TTHC). Đến ngày 31/7/2022, tỉnh đã cung cấp 1.446 TTHC thành dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4; đã tích hợp được 981/1.446 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 68%.

Về tiến độ thực hiện Khu công nghệ thông tin và chuyển đổi số tham gia chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, Sở TT&TT đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch 1/500 và lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực lập quy hoạch để trình thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 9 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, 129 tổ cấp xã và 427 tổ cấp khu phố/ấp với gần 3.000 thành viên tham gia.

Về tiến độ triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), UBND tỉnh đang xem xét thực hiện các quy trình, thủ tục cần thiết liên quan đến phần mềm lõi Trung tâm này, đồng thời tiến hành cung cấp, lắp đặt trang thiết bị để chuẩn bị triển khai vận hành.

Bí thư Bến Tre: Cá nhân hóa trách nhiệm, phân công rõ đầu việc để đẩy nhanh chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bến Tre phát biểu tại phiên họp - Ảnh: bentre.gov.vn

Gắn trách nhiệm cá nhân trong chuyển đổi số

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cấp bách và là nhiệm vụ mới. Vì vậy, cần triển khai khẩn trương, quyết liệt, dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm. Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; chú trọng nguồn nhân lực; xem xét việc gắn kết Khu công nghệ thông tin và chuyển đổi số với các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hành động, gắn chuyển đổi số với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh trong quá trình thực hiện cần bám sát Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy, các đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số để phân công rõ từng đầu việc, cá nhân hóa trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện "6 hóa" trong chuyển đổi số (tiêu chuẩn hóa; đơn giản hóa thủ tục thực chất; tối ưu hóa; tự động hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ; cá nhân hóa trách nhiệm; hợp tác hóa vì mục tiêu chung), đồng thời rà soát các nhiệm vụ được giao và  thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động phối hợp Sở TT&TT cụ thể hóa từng nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Trong đó, quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia chuyển đổi số.

Các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung thực hiện và đẩy nhanh chuyển đổi số ngày càng hiệu quả. Các huyện, thành phố chỉ đạo, đưa hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng vào thực tế để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến người dân. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Nguyễn Phương