Theo đó, thị xã Ninh Hòa ghi nhận 28 ca; TP. Nha Trang 10; huyện Vạn Ninh 3 ca và huyện Cam Lâm 1 ca. Trong số các ca mắc, có 9 ca ghi nhận trong các khu phong tỏa, 30 ca ghi nhận tại các cơ sở cách ly tập trung và 3 ca ghi nhận tại cộng đồng.
Các ca mắc mới đã được đưa đến các bệnh viện cách ly, điều trị; các địa phương đã tiến hành điều tra, xác minh các mốc dịch tễ liên quan đến các bệnh nhân; xử lý môi trường các địa điểm nguy cơ, khu vực bệnh nhân đi qua. Đồng thời, truy vết 211 F1 và 939 F2. Trong ngày, toàn tỉnh Khánh Hòa đã lấy 1.246 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 2.881 test nhanh kháng nguyên.
Từ ngày 23/6 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 277 ca dương tính với SARS-CoV-2. Riêng từ ngày 3/7 đến nay, ghi nhận 273 trường hợp.
Các địa phương đã truy vết và đưa đi cách ly tập trung 2.783 F1 và 5.616 F2 thực hiện cách ly tại nhà. Ngoài ra, toàn tỉnh đã phong tỏa tạm thời 64 địa điểm.
THÔNG BÁO KHẨN TÌM NGƯỜI
Chiều 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa có thông báo khẩn số 11 về việc tìm người liên quan đến trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo CDC, trong ngày, toàn tỉnh ghi nhận 42 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Theo kết quả điều tra dịch tễ, các bệnh nhân trên có ghé đến một số địa điểm, gồm:
Chợ Vĩnh Trường, đường Võ Thị Sáu, TP. Nha Trang vào 8h - 8h30, ngày 7/7.
Cửa Hàng Điện Nước Đức Điện, 12A, Võ Thị Sáu, phường Phước Long, TP. Nha Trang vào 10h - 10h20, ngày 8/7.
Đám giỗ địa chỉ 21/3 Nguyễn Tất Thành, Phước Long, TP. Nha Trang vào 15h - 16h, ngày 5/7.
Quán Day Coffee, 13 Nguyễn Đức Cảnh, Phước Long, TP. Nha Trang vào 15h - 16h, ngày 5/7.
Quán cà phê Bọt, 30 Lý Nam Đế, TP. Nha Trang vào 10h30 - 13h, ngày 3/7.
Quán cà phê Đồi, Khu đô thị Mipeco, chung cư P.H, TP. Nha Trang vào 16h45 - 22h, ngày 3/7.
CDC Khánh Hòa đề nghị những cá nhân có liên quan đến lịch trình trên: Liên hệ với Trạm Y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ. Cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình. Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19: https://bluezone.gov.vn
Không để lãng phí thời gian giãn cách xã hội
Ngày 11/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh và các huyện, thị xã thành phố để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang diễn biến rất phức tạp, các ca nhiễm liên tục tăng trong những ngày qua, trong đó có nhiều ca nhiễm xuất hiện trong cộng đồng.
Sau khi nghe các địa phương lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo, ý kiến của các thành viên dự họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thống nhất yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất, với phương pháp, cách làm khoa học và hiệu quả hơn.
"Cần phải quyết liệt hơn nữa, nhanh hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Xã hội sống chậm, chúng ta phải đi nhanh; không để lãng phí thời gian người dân thực hiện giãn cách xã hội", Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch
Về việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, bên cạnh các công việc thường xuyên, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo các cấp ủy đảng địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch.
Theo đó, Bí thư cấp ủy các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp cùng dự họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh địa phương mình, kịp thời có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, trên tinh thần chủ động, cụ thể, sát từng việc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch.
Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch để Ban Thường vụ đi kiểm tra thực tế tại các địa phương trong những ngày sắp tới.
Ông Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo là đầu mối chỉ huy công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh. Do đó, Ban chỉ đạo phải nghiên cứu cơ chế cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh và các địa phương triển khai chống dịch, trong đó nên chú ý làm theo Infographic; có quy chế phối hợp giữa các đơn vị tham gia phòng, chống dịch; nghiên cứu sớm thành lập bộ phận chuyên môn phân tích, đánh giá số liệu, tổng hợp tình hình thực tiễn từ các địa phương, tham mưu cho Ban chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp nhất…
Về giãn cách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện ngày 8/7 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và 15 của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội; tăng cường kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các địa phương giáp ranh vùng có dịch, giữa các địa phương đang áp dụng quy định giãn cách xã hội khác nhau theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thần tốc truy vết
Để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các địa phương thực hiện phương châm thần tốc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, không để trùng lặp, bỏ sót; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm; thực hiện gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Đối với khu vực nguy cơ cao: lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu như trên.
Đối với các khu vực khác, ngành y tế cà các địa phương thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình; thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.
Lấy mẫu nhanh chóng, khoa học, hiệu quả, tiết kiệm
Liên quan đến việc lấy mẫu xét nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mỗi xã, phường thành lập 5-6 tổ lấy mẫu xét nghiệm, mỗi tổ từ 2 - 3 người, đến lấy mẫu tại các hộ gia đình. Những địa phương chưa có ca dịch có thể tăng cường lực lượng cho những địa phương khác để hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm.
Việc tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm phải bảo đảm khoa học, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm; huy động các lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các tình nguyện viên… để tham gia hỗ trợ việc lấy mẫu, xét nghiệm.
Để kịp thời cho việc xét nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đề nghị Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, Bệnh viện Quân y 87, Bệnh viện 22-12 tiếp tục hỗ trợ tỉnh về nhân lực, vật lực và phương tiện để tăng năng lực xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 của tỉnh lên mức 10.000 - 15.000 mẫu/ngày.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội CDC Khánh Hòa tạm dừng dịch vụ xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện để tập trung nguồn lực xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, trừ trường hợp đặc biệt…
Thành lập thêm bệnh viện dã chiến
Về công tác điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo sớm thành lập bệnh viện dã chiến tại Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa để kịp thời điều trị các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn Ninh Hòa và Vạn Ninh. Giao Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 trên địa bàn tỉnh khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, rà soát các nguồn lực để đề xuất hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của địa phương; tích cực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định; chuần bị phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine đúng đối tượng, hiệu quả và an toàn tối đa cho người tiêm chủng...
Khẩn trương nắm bắt sát tình hình thực tế, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kích hoạt và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “bốn tại chỗ”, với tinh thần vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đề nghị Ban Chỉ đạo giao nhiệm vụ này cho Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì (đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong) và Sở Công Thương chủ trì (đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Vân Phong), cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện./.