Theo UBND thị xã Sông Cầu, trên địa bàn trong ngày 24 và 25/9 có mưa rất to, lượng mưa đo được tại trạm Xuân Bình là 148 mm. Khoảng 19h30 ngày 24/9, khu phố Dân Phước và Vạn Phước (phường Xuân Thành) bị ngập úng cục bộ khoảng 0,5 m với hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa phương đã huy động lực lượng khai thông các cống lớn để thoát nước, đến 21h30 cùng ngày nước đã rút.
Thị xã Sông Cầu hiện có khoảng 82.000 lồng nuôi thủy sản, hơn 960 tàu thuyền. Đến chiều 25/9 còn 13 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Địa phương đang triển khai các biện pháp và yêu cầu người nuôi trồng thủy sản chằng néo lồng bè, thả lồng trệt xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, tổ chức kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh và dự kiến đến tối nay, 25/9, các tàu thuyền của Sông Cầu đang hoạt động trên biển sẽ vào đến bờ. Địa phương cũng triển khai vận động tất cả ngư dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền…
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp, chủ động ứng phó cơn bão NORU; đồng thời chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời có hiệu quả.
Các lực lượng chức năng và địa phương thông báo đến các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ cao.
Hướng dẫn tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu thuyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. Khẩn trương kiểm tra, rà soát và chủ động sẵn sàng triển khai công tác di dời sơ tán dân khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven biển, vùng ảnh hưởng triều cường, sạt lở đất… đến nơi an toàn. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các công trình hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi xả nước để đón lũ, hạn chế trường hợp "lũ chồng lũ" ảnh hưởng lớn đến người dân…
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có công điện đề nghị các địa phương, đơn vị liên thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh. Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương. Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và các công trình đang thi công dở dang vùng cửa sông, ven biển. Chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng để sẵn sàng huy động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo dõi tình hình diễn biến của bão, mưa lũ trong những ngày tới.