In bài viết

Biến đổi khí hậu, cây súp lơ "hợp" với đất Ninh Thuận

Sau vụ trồng súp lơ bán Tết Tân Mão bội thu, người trồng súp lơ trắng tại Ninh Thuận có thêm niềm vui mới, hiện súp lơ được bán với giá 4.000 đồng/kg (giá bán tại ruộng ở huyện Ninh Phước), năng suất bình quân 40 tấn/ha, doanh thu 160 triệu đồng, sau chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.

04/04/2011 18:38
Ninh Thuận được mệnh danh là vùng khô hạn (không phù hợp phát triển trồng súp lơ). Tuy nhiên, trong những năm gần đây thời tiết có thay đổi, không khí lạnh thường xuất hiện kèm theo mưa nhỏ kéo dài; lợi dụng sự biến đổi khí hậu này, nhiều người dân trong tỉnh đã phát triển trồng súp lơ. Kết quả, trong 3 năm qua người trồng sú lơ trên địa bàn tỉnh đã được mùa bội thu.
Ông Nguyễn Văn Trinh (thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) - một trong những hộ trồng súp lơ đầu tiên trong xã cho biết: gia đình anh trồng 2 ha súp lơ đang chuẩn bị thu hoạc; cứ tính giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, vụ này chắc lãi vài trăm triệu đồng. Anh nói, súp lơ là loại cây có cách trồng đơn giản, chi phí bỏ ra thấp nhưng lại cho thu nhập cao. Vì vậy, người dân trong xã đã chỉ cho nhau cách trồng để cùng nhau phát triển kinh tế.
Anh Phan Ngọc Trí ở thôn Thuận Hòa trồng 2 sào súp lơ, sau hơn 60 ngày các thương lái đến tận nhà mua với giá bình quân 7.000 đồng/búp, cũng có lúc thương lái thu mua theo kí với giá 4.000 đồng/kg. Gia đình anh thu được hơn 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng.
Súp lơ trồng tại Ninh Thuận hiện đang phát triển tốt, người nông dân trồng súp lơ có thu nhập khá. Thị trường tiêu thụ mặt hang này cũng không chỉ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh khác như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của các thương lái, súp lơ trồng ở Ninh Thuận ăn ngon, ngọt và dai hơn súp lơ trồng ở Đà Lạt nên hiện nay súp lơ Ninh Thuận được tiêu thụ mạnh.
Nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi cùng hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng đầu tư phát triển trồng súp lơ cùng các loại cây truyền thống như, dưa, hành, củ cải trắng … Ông Phan Thành Đức, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Phước Thuận cho biết: theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích súp lơ toàn xã là 13,8 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Phước Khánh, Thuận Hòa, Phước Lợi, Hiệp Hòa và Thuận Lợi. Vài năm trước nông dân trồng 2 vụ/năm, năm nay thời tiết thuận lợi nên ngoài 2 vụ chính, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn trồng thêm vụ 3 và đang chuẩn bị thu hoạch. Chính quyền xã đang khuyến khích bà con phát triển trồng súp lơ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Lan Phương