Tới dự hội nghị có đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức cá nhân tiêu biểu và hơn 100 đại biểu là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.
Trong 4 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh, địa phương; sự phối hợp giúp đỡ động viên của các cơ quan đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức hội, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc động viên, giúp đỡ và ủng hộ các NNCĐ da cam vượt qua nỗi đau và hoàn cảnh khó khăn để vươn lên làm chủ cuộc sống. Hội đã lựa chọn một số hoàn cảnh cụ thể để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ ban đầu, tạo động lực cho họ vươn lên. Hội đã phát động phong trào trong các cấp hội, động viên nạn nhân vượt khó và phong trào hành động vì NNCĐ da cam.
Phần giao lưu giữa đại biểu và các NNCĐ da cam tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã biểu dương những gương NNCĐ da cam vượt lên thoát nghèo để có mức sống bằng, cao hơn cộng đồng dân cư; NNCĐ da cam tiếp tục vượt khó vươn lên để có thu nhập cao và đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi ở địa phương cơ sở; NNCĐ da cam vượt khó phát triển kinh tế và tạo việc làm thu nhập cho người lao động trên địa bàn; NNCĐ da cam vượt khó phát triển kinh tế chăm lo và động viên con cháu chiến thắng bệnh tật, hiếu học để có tri thức, có việc làm và thu nhập; NNCĐ vượt khó phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền đoàn thể nơi cư trú. Bên cạnh đó, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng tuyên dương những gương tiêu biểu giúp đỡ NNCĐ da cam có hoàn cảnh khó khăn; xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà có nguy sụp đổ; những gương hoạt động phối hợp chăm sóc giúp đỡ NNCĐ da cam.
Phần giao lưu giữa các đại biểu và đại diện các tấm lòng vàng vì NNCĐ da cam.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra phần giao lưu xúc động giữa các đại biểu và các đồng chí là đại diện các NNCĐ da cam tiêu biểu: cựu chiến binh Nguyễn Văn Xoay, thôn 3, xã An Sinh huyện Đông Triều; Nguyễn Đại Số, tổ 2, khu 6, phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long và Nguyễn Sơn Lâm, khu 5, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí và đại diện các tấm lòng vàng là: Thạc sỹ Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc, Bệnh viên Y dược Cổ truyền Quảng Ninh; đồng chí Đỗ Văn Tính, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sổ số kiến thiết Quảng Ninh; Bùi Thị Bình, tổ 9, khu 9B, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của những NNCĐ da cam vượt khó vươn lên và các tấm lòng vàng đã động viên, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam trong thời gian qua.
Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao hoa và quà cho NNCĐ da cam Nguyễn Đại Số, thành phố Hạ Long, đại diện cho các NNCĐ da cam trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của những NNCĐ da cam, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã động viên các nạn nhân hãy vượt qua hoàn cảnh, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên, tiếp tục xây dựng đời sống tốt đẹp và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế, mô hình vận động quyên góp để giúp đỡ các nạn nhân vượt khó.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Với sự cố gắng của các cấp chính quyền, các đơn vị, các tổ chức cá nhân, tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp, ngành Trung ương ghi nhận trong việc huy động nguồn ngân sách của tỉnh, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để tri ân các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ những người có công, các gia đình chính sách; nhiều hoạt động tri ân cũng được tổ chức, các hoạt động thăm hỏi trợ cấp được thực hiện kịp thời; thành lập nhiều quỹ quyên góp với sự tham gia của các cấp ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cá nhân. Các quỹ quyên góp, ủng hộ được quản lý hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của những nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao hoa và quà cho các tấm lòng vàng vì NNCĐ da cam.
Để tiếp thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường quan tâm triển khai công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của những NNCĐ da dam; tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với những người hoạt động kháng chiến; phát động phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam gắn với các cuộc vận động; thực hiện tốt công tác động viên, tuyên dương và khen thưởng các NNCĐ da cam vượt khó và những tấm lòng vàng vì NNCĐ da cam.NNCĐ da cam Lê Quang Nhung, Khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn: Là nạn nhân chất độc da cam và là thương binh. Ông được biểu dương là tấm gương tiêu biểu vượt khó phát triển kinh tế, chăm lo và động viên cháu con hiếu học để có tri thức, có việc làm và có thu nhập. Ông cho biết, từ một nạn nhân bị chất độc da cam nhưng đã xuất sắc vượt lên hoàn cảnh, thoát nghèo bằng hình thức phát triển nghề nuôi trồng và kinh doanh hải sản. Cơ sở kinh doanh hải sản của ông đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời là cơ sở để nuôi các con ăn học. Đến nay, khi các con đã thành đạt, ông chuyển nghề và tham gia hoạt động tại Hội CCB thị trấn Cái Rồng và được bầu vào Ban Chấp hành HCCB của thị trấn. Hiện nay, đơn vị của ông luôn dẫn đầu trong việc phát triển các mô hình khu dân cư văn hóa và được tuyên dương là đơn vị tiêu biểu trong toàn tỉnh.
NNCĐ da cam Nguyễn Văn Nhượng, Thôn 4, xã Đức Chính, huyện Đông Triều: Là thương binh hạnh ¼ và là một trong những nạn nhân chất độc da cam đã vượt khó phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho các nạn nhân chất độc da cam khác trên địa bàn. Vượt qua nỗi đau da cam, ông đã tổ chức nhận thầu đất hoang nuôi thủy sản, vay vốn lập tổ dịch vụ làm đất nông nghiệp, tạo việc làm cho 9 lao động, trong đó có 3 nạn nhân da cam; mỗi năm thu lại từ 90 đến 100 triệu đồng. Ông còn giúp vốn sản xuất cho hàng chục hội viên Da cam vươn lên thoát nghèo, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương với số tiền trên 50 triệu đồng. Ông xác định, làm kinh tế không phải chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ những nạn nhân cùng cảnh ngộ nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn, giúp họ chiến thắng bệnh tật.
Tấm lòng vàng Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH 27/7, tổ 21, khu 3, phường Trưng Vương, TP Uông Bí: Là thương binh hạng 2/7, một trong tấm gương tiêu biểu giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Cùng là những người lính chiến đấu trên một chiến trường, chịu những nỗi đau của chiến tranh, ông đã phần nào hiểu được những khó khăn, mất mát của những đồng đội là những nạn nhân chất độc da cam. Không những là một nhà kinh doanh giỏi, ông cũng là một trong những tấm gương sáng trong việc giúp đỡ những nạn nhân da cam, trong thời gian vừa qua, ông đã giúp đỡ ủng hộ xây mới 2 ngôi nhà cho NNCĐ da cam (40 triệu đồng/căn); giúp đỡ 5 cháu là nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ lâu dài con của người bị chất độc da cam; hỗ trợ tìm mộ liệt sỹ; hỗ trợ cho 15 đồng chí là nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, ông cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn.
Tấm lòng vàng Bùi Thị Bình, tổ 9, khu 9B, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long: Là một trong những gương tiêu biểu về giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà có nguy cơ sụp đổ. Trong những năm qua, bà đã không quản ngại khó khăn tự nguyện đi vận động các hộ dân và các hộ kinh doanh trên địa bàn quyên góp, ủng hộ các nạn nhân chất độc gia cam. Hàng năm, bà đã vận động quyên góp từ 40 đến 50 triệu đồng/ năm để đi tặng quà, trợ cấp khó khăn cho các nạn nhân chất độc da cam ở các vùng nông thôn, miền núi./.