In bài viết

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông

(Chinhphu.vn) - Tôi đến thăm Di tích Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong dịp cả nước kỷ niệm 48 năm Ngày Chiến thắng 30/4. Khu trụ sở nằm trên tuyến lửa năm xưa, nay trở thành Di tích Văn hoá quốc gia, hằng ngày mở cửa đón du khách mọi miền.

02/05/2023 09:05
Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 1.

Bên trong nhà làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN được phục dựng theo nguyên gốc của di tích về mặt kiến trúc và không gian lịch sử, không gian nội thất - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Minh chứng cuộc đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt của nhân dân miền Nam

Lật từng trang tư liệu lịch sử chúng ta sẽ hiểu rõ di tích Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam, là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Ngày 6/6/1969, tại khu căn cứ địa cách mạng tỉnh Tây Ninh, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN được thành lập do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. 

Bên cạnh Chính phủ còn có Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. 

Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là kết quả đấu tranh lâu dài, gian khổ với vô vàn hy sinh xương máu của quân và dân miền Nam, đánh dấu bước thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN ra đời là sách lược sáng suốt của cách mạng miền Nam, phát huy sức đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế chính trị của ta trên trường quốc tế.

Với thắng lợi của chiến dịch năm 1972, ngày 1/5/1972, tỉnh lỵ và đại bộ phận tỉnh Quảng Trị được giải phóng sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973). Bộ Chính trị đã quyết định chọn xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhằm tạo vị thế cho Ủy ban Cố vấn và Chính phủ lâm thời CHMNVN thực hiện các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 2.

Danh sách thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hội đồng Cố vấn - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 4 ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN (6/6/1969- 6/6/1973), đầu năm 1973, những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng gồm xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn, ván, từ miền Bắc chuyển vào. Hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, thi công liên tục suốt ngày đêm.

Sau 25 ngày đêm, công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng như dự kiến. Khu trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300 m2, gồm: Khu A có nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A;  khu B có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.

Mặc dù thi công trong điều kiện hết sức gấp gáp về mặt thời gian, nhân lực không nhiều cùng với những khó khăn về mặt hậu cần lúc bấy giờ, nhưng khu nhà được ưu tiên đặc biệt trong trang trí nội thất nên tạo nên sự trang nghiêm. Khuôn viên khu nhà trồng nhiều loại cây cảnh và cây tạo cảnh quan, có những hàng dừa là biểu tượng sức sống quật khởi của nhân dân miền Nam.

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 3.

Không gian trưng bày hình ảnh đại sứ các nước đến trình quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN tại Cam Lộ, Quảng Trị - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN được xây dựng từ ngày 6/5 đến ngày 30/5/1973 hoàn thành. Ngày 6/6/1973, tại đây đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể với việc Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN ra mắt quốc dân đồng bào, trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên, báo chí quốc tế. Đại sứ các nước đã đến đây trình quốc thư và tại đây cũng đã đón tiếp nhiều vị lãnh đạo các nước, các chính đảng như: Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais.

Tại đây, từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, đại sứ các nước đến trình quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Chính phủ cũng cử nhiều đoàn cấp cao đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới. Chính phủ cử các đoàn đại biểu các đoàn thể đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. 

Sau năm 1975, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời hoàn thành vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý.

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 4.

Không gian trưng bày các tư liệu lịch sử về Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Cần đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu trụ sở Chính phủ lâm thời

Năm 1985, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, với sức gió cấp 12, gió bão đã làm cho toàn bộ các công trình di tích Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN bị hư hại, chỉ còn lại phần nền móng của các dãy nhà. Lúc này do điều kiện đất nước đang còn khó khăn chưa có điều kiện để phục dựng lại di tích lịch sử này.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, năm 1991 Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia. Từ đây, di tích này đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đầu tư kinh phí để phục hồi, tôn tạo lại các hạng mục công trình.

Năm 2007, Bộ VHTT&DL đã đầu tư kinh phí để phục dựng, trùng tu tôn tạo dãy nhà trình quốc thư, dãy nhà lưu trú của các đại sứ và xây dựng mới dãy nhà trực nhà làm việc của cán bộ và nhân viên Ban Quản lý Di tích. 

Năm 2009, Bộ VHTT&DL tiếp tục đầu tư hơn 10 tỷ đồng để dựng bia di tích. Năm 2018, Quỹ Hòa bình Việt Nam đã vận động và ủng hộ 1,4 tỷ đồng để tiến hành phục dựng lại công trình nhà làm việc của Bộ ngoại giao.

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 5.

Di tích khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Đại diện Ban Quản lý Di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN cho biết các đợt trùng tu cơ bản phục dựng lại được một số hạng mục nhằm tái tạo một phần hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời như: Nhà làm việc Chính phủ, khu nhà Bộ ngoại giao, nhà nghỉ của các đại sứ, xây dựng nhà bia di tích, nhà trưng bày bổ sung và các công trình phụ trợ khác.

Trong đó, nhà làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời được phục dựng theo nguyên gốc của di tích về mặt kiến trúc và không gian lịch sử, không gian nội thất. Nhà Chính phủ được chia làm 3 phòng: Phòng chính giữa là phòng giao tế, nơi tổ chức các đại lễ ngoại giao, nơi đại sứ các nước đến trình quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với cách mạng lâm thời CHMNVN.

Phòng chính giữa bài trí hết sức đơn giản. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được gắn trên tường. Tất cả những chi tiết còn lại như bục gỗ, lọ hoa, các chậu cây, thảm hoa cùng với các loại thảm đỏ, thảm cói đều được bố trí gần như nguyên trạng. Ngay giữa phòng là tấm thảm hoa, cùng với các loại thảm đỏ, thảm cói đều được phục chế.

Phòng bên phải là nơi tiếp khách của Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Trên mảng tường chính treo ảnh chân dung Bác Hồ, giữa phòng đặt bộ ghế mây, quạt điện…

Tuy nhiên với nguồn lực đầu tư phục dựng, tôn tạo khu di tích này còn hạn chế và trải qua thời gian dài, ảnh hưởng của thiên tai nên hầu hết các hạng mục đã xuống cấp; các tư liệu, hiện vật, không gian trưng bày còn ít, chưa tương xứng với một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc - Ảnh 6.

Trải qua thời gian cùng với tác động của thời tiết, hiện nay hầu hết các hạng mục công trình của di tích đã hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng. Ảnh: Cổng vào di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết UBND tỉnh giao huyện Cam Lộ quản lý di tích này từ năm 2022. Qua kiểm tra, khảo sát, hiện có nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng, xuống cấp như nhà trình quốc thư và một số dãy nhà khác, cổng A, cổng B, 4 gác, sân vườn, hàng rào… Đặc biệt là các tư liệu, hiện vật, kỷ vật về Chính phủ Cách mạng lâm thời còn khiêm tốn.

"Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Việc đầu tư kinh phí để tôn tạo, phục dựng các hạng mục vốn có của di tích là rất cần thiết. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương hạn chế, rất mong cấp thẩm quyền, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ địa phương về nguồn lực để tôn tạo tổng thể và phát huy giá trị di tích quốc gia này", Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ đề nghị.

Theo dó, trước mắt là hỗ trợ cho huyện và tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN tại huyện Cam Lộ và tổ chức hội thảo khoa học về tầm vóc, ý nghĩa của Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Dự kiến 2 sự kiện này sẽ tổ chức vào 2 ngày 5 và 6/6/2023. Đồng thời quan tâm sưu tầm, bổ sung hiện vật trong giai đoạn từ khi thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN cho đến lúc hoàn thành sứ mệnh của mình./.

Nhật Anh