In bài viết

Biểu tượng mới giữa thắng địa ngàn năm tuổi

(Chinhphu.vn) – Mùa Thu này, đồng bào cả nước và bè bạn năm châu đến với Hà Nội khi rảo bước trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi cách đây gần 70 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, sẽ được chiêm ngưỡng Tòa nhà Nhà Quốc hội mới.

17/10/2014 13:25

Công trình Nhà Quốc hội đã cơ bản hoàn thành. Ảnh VGP

Là trụ sở của một cơ quan Trung ương lớn nhất có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ hiện đại đầu tiên được xây dựng kể từ ngày thống nhất đất nước, đến thời điểm hiện tại, công trình đã cơ bản hoàn thành. Toàn bộ các hệ thống kỹ thuật đã được vận hành, chạy thử, kiểm tra nhằm đảm bảo phục vụ cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Mang tầm vóc biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, Nhà Quốc hội được xây với kiến trúc hình vuông kích thước 102m x 102m, phòng họp hình tròn ở giữa, chiều cao khoảng 39m, tổng diện tích xây dựng khoảng 60.000m2.

Nhìn từ phía Lăng Bác, công trình Nhà Quốc hội hoành tráng mà không đồ sộ, không lấn át cảnh quan chung. Vút lên với những đường nét khỏe khoắn giữa không gian thoáng rộng, tòa nhà vừa sừng sững, uy nghiêm vừa có nét gần gũi, giản dị của một “địa chỉ đỏ” mà sứ mệnh của nó sẽ là nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của cả dân tộc.

Với ý nghĩa đặc biệt và vai trò quan trọng đó nên trong suốt quá trình xây dựng, từ lúc hình thành ý tưởng cho tới lúc cán đích đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, công trình này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Chính phủ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu khởi công xây dựng Nhà Quốc hội. Ảnh VGP

Nhớ lại buổi sáng mùa Thu 5 năm trước, sau nhiều lần bàn thảo, thậm chí tranh luận “gay gắt” nhiều chiều nhằm tìm ra phương án kiến trúc tối ưu, ngày 12/9/2009 công trình xây dựng Nhà Quốc hội đã được khởi công tại địa điểm mà ngàn năm về trước, Hoàng đế Lý Công Uẩn đã coi là thắng địa- nơi "Thượng đô kinh sư mãi muôn đời" trong sự chờ đợi của nhân dân cả nước.

Được xây dựng trên nền Hội trường Ba Đình (cũ), cạnh Hoàng thành Thăng Long xưa, công trình Nhà Quốc hội mới như một sợi chỉ đỏ kết nối giữa hiện tại với quá khứ vàng son của Thủ đô ngàn năm tuổi…

Phát biểu trong buổi sáng hôm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các đơn vị liên quan,... phải xây dựng công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và an toàn trong suốt quá trình thi công công trình quan trọng đặc biệt này.

Liên tục thị sát tại công trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công, Lãnh đạo Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan phải chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực khẩn trương hoàn thành các hạng mục của dự án Nhà Quốc hội theo đúng yêu cầu.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng trực tiếp xuống tận công trường để kiểm tra, đôn đốc tiến độ nhằm bảo đảm dự án “về đích” đúng hẹn.


Thủ tướng kiểm tra thiết bị trong phòng họp chính. Ảnh VGP

Trong lần thị sát gần đây nhất (ngày 3/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu quyết liệt, khẩn trương hoàn thiện công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ; đảm bảo toàn bộ công trình an toàn tuyệt đối về kết cấu chịu lực; đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cơ bản về tiện ích, công năng của kỳ họp Quốc hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý Dự án tiếp tục hoàn thiện công trình Nhà Quốc hội để bàn giao toàn bộ cho Văn phòng Quốc hội trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động, tòa nhà này không chỉ là nơi những đại biểu nhân dân tập trung luận bàn, quyết nghị những vấn đề trọng đại của đất nước mà còn là nơi các vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong mỗi nhiệm kỳ ra mắt quốc dân; là nơi lãnh đạo cấp cao đón tiếp khách quốc tế…

Với sứ mệnh thiêng liêng ấy, Tòa nhà Nhà Quốc hội sẽ là một biểu tượng mới về sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân; một “địa chỉ đỏ” để hơn 90 triệu đồng bào gửi gắm niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Bình Minh