In bài viết

Bình Định chống hạn cho vụ Hè Thu

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bình Định đã gieo sạ trên 41.671 ha lúa Hè Thu và 9.996 ha cây trồng cạn. Tuy vậy, việc đầu tư chăm sóc cây trồng ở nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nước tưới.

14/06/2012 16:52

Đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống kênh mương tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. - Ảnh Báo Bình Định

Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý còn 313/455,65 triệu m³; lượng nước tại các hồ chứa do các địa phương quản lý chỉ còn 70 triệu m³/118,42 triệu m³.

Nguồn nước hiện có không đảm bảo cung cấp cho toàn bộ diện tích lúa vụ Hè Thu đang đẻ nhánh. Ruộng tại nhiều xã ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn đang bị thiếu nước.

Tổng diện tích lúa vụ Hè Thu có khả năng bị hạn là 5.850 ha và 500 ha cây trồng cạn, hoa màu bị thiếu nước tưới.

Nhiều công trình cấp nước do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định quản lý cũng đã chạy hết công suất nhưng vẫn không đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân vùng hưởng lợi.

Dự báo, trong khung thời gian từ nay đến tháng 8/2012 có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài. Thời tiết diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp địa phương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt các biện pháp chống hạn; thực hiện tưới tiết kiệm nước, sử dụng các công trình chống hạn đã được xây dựng để cấp nước; kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa các công trình xâm nhập mặn, đồng thời tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các trục tiêu nước; bổ sung các tuyến đường ống nước thô và mở thêm mạng cấp nước Nhà máy nước Bình Tường (Tây Sơn), Nhơn Tân (thị xã An Nhơn).

Chi cục Thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão của tỉnh Bình Định tổ chức quản lý, vận hành các cống, tràn trên đê Đông không để nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng làm chết lúa; chủ động tiêu úng cho cây lúa trong giai đoạn sinh trưởng.

Ngoài ra, các địa phương có khả năng xảy ra hạn cần chủ động cân đối nguồn nước, điều tiết nước hợp lý, tận dụng tối đa lượng nước bổ sung do trời mưa và dòng chảy cơ bản các sông suối, chỉ khi thật sự cần thiết mới tháo nước từ hồ chứa và xử lý kín các cống lấy nước để chống thất thoát nước.

Thanh Châu

(Nguồn: Báo Bình Định)