In bài viết

Bình Định tập trung phòng, chống hạn vụ hè thu

(Chinhphu.vn) - Tại Bình Định, nguy cơ hạn hán xảy ra trong vụ sản xuất hè thu 2024 rất cao, 22 hồ chứa đã cạn nước, lượng nước tại các hồ chứa khác cũng đang tiêu hao nhanh.

10/04/2024 17:09
Bình Định tập trung phòng, chống hạn vụ hè thu- Ảnh 1.

Các địa phương của Bình Định cần rà soát lại để chuyển đổi sản xuất lúa sang cây trồng cạn phù hợp - Ảnh: VGP/Minh Trang

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện lượng nước còn lại của 164 hồ trên địa bàn tỉnh là 479 triệu m3, đạt 71% dung tích thiết kế. Đáng chú ý, có 22 hồ chứa đã cạn nước, lượng nước tại các hồ chứa khác cũng đang tiêu hao nhanh.

Trong điều kiện nắng nóng, dự kiến vụ hè thu năm 2024, Bình Định phải ngừng sản xuất trên 1.911 ha. Trường hợp nắng nóng và không có mưa tiểu mãn thì có khoảng 6.009 hộ/24.036 người dân tại Phù Mỹ, Tây Sơn, An Lão, TP. Quy Nhơn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng rất cao. Hiện các đơn vị đang kiểm tra, rà soát lại lượng nước hiện có tại các hồ chứa, các công trình cấp nước sinh hoạt, xây dựng phương án sản xuất, phòng, chống hạn.

Sở NN&PTNT Bình Định cũng đã có công văn đề nghị các địa phương trong tỉnh tập trung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu.

Theo đó, các địa phương cần tuyên truyền để nhân dân nhận thức về tình hình khô hạn năm 2024 và chủ động các biện pháp phòng, chống hạn; tăng cường thực hiện các giải pháp về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp như tưới luân phiên, tưới ẩm, tưới phun, tưới ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước.

Cùng với đó, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các chủ thể khai thác công trình thủy lợi của địa phương phải kiểm kê, rà soát nguồn nước quản lý, khai thác để khoanh vùng bảo đảm cấp nước tưới và thông báo cụ thể những khu vực không thể cung cấp nước cho vụ hè thu để các địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp (khoanh vùng bỏ trống dừng sản xuất…).

Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, vật nuôi, cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa giống, vùng ven đê Đông chống xâm nhập mặn, xì phèn.

Các địa phương cũng cần rà soát lại diện tích, điều kiện đất đai cụ thể từng vùng, hướng dẫn chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây trồng cạn phù hợp, hiệu quả (lạc, ngô, vừng, rau màu, sắn…), bảo đảm thu nhập cho nông dân. Không để người dân tự phát gieo sạ lúa ở những khu vực không đủ nước tưới (nhất là các hồ chứa đã cạn nước) nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tại cuộc họp triển khai phương án nguồn nước cho vụ Hè thu mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương xem công tác phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, khẩn trương triển khai phương án phòng, chống hạn. 

Trong phương án phòng, chống hạn tổng thể của tỉnh do Sở NN&PTNT thực hiện, cần phải thể hiện được việc ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; giải pháp về khơi thông dòng chảy; chống thất thoát nước, tưới tiết kiệm. Phương án phòng, chống cháy rừng cũng phải thật cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống thủy lợi, phương án phòng, chống hạn, tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt tại địa phương, xử lý những vướng mắc phát sinh trước khi báo cáo đến Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét. Chủ động thông tin, quán triệt đến cán bộ và nhân dân về việc tiết kiệm nước. 

Lãnh đạo UNDN tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương nghiên cứu phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nhất là đối với những hộ dân không thể sản xuất được vì không có nguồn nước tưới.

Minh Trang