In bài viết

BÌNH DƯƠNG: Triển khai một loạt biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19

(Chinhphu.vn) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị hỏa tốc số 10/CT-UBND về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

23/06/2021 16:20

Tạm dừng tất cả chợ tự phát, các hoạt động hội họp không cần thiết

​Theo đó, tạm dừng tất cả hoạt động của chợ tự phát đang hoạt động tại các thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; quản lý chặt chẽ các chợ truyền thống và  yêu cầu người dân, tiểu thương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; đối với các siêu thị, trung tâm thương mại phải nâng cao hơn mức độ phòng, chống dịch, thường xuyên khử khuẩn, giảm, giãn sự tập trung khi mua sắm…

Đồng thời, dừng các hoạt động hội, họp không cần thiết; trong trường hợp cần thiết tổ chức các cuộc họp, sự kiện phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Thực hiện việc giãn cách và khoanh vùng nhanh nhất, phong tỏa đối với các khu vực có ca bệnh (F0), truy vết thần tốc hơn đối với các F1, F2 liên quan để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế

Công an tỉnh Bình Dương chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thời gian qua.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Khẩn trương thành lập các tổ truy vết dịch bệnh, hỗ trợ các điểm nóng tại các thị xã, thành phố; phối hợp với các lực lượng tổ chức truy vết triệt để các đối tượng thuộc diện F0, F1, F2,…

Bảo đảm cách ly cho 10.000 người

Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị xã Tân Uyên; thành phố Thuận An và 04 phường: Hiệp Thành, Hiệp An, Chánh Mỹ và Phú Hòa của thành phố Thủ Dầu Một cho đến khi có thông báo mới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương phối hợp, hướng dẫn các ngành chức năng rà soát, mua sắm bổ sung ngay các trang thiết bị cần thiết cho các cơ sở cách ly y tế mở rộng nhằm đảm bảo cách ly cho 10.000 người theo kế hoạch; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan điều phối các nguồn lực phục vụ công tác đưa người đi cách ly đến khu cách ly tập trung kịp thời theo quy định.

Xét nghiệm diện rộng, nhanh để ngăn chặn nguồn lây

Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển khai ngay việc mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, test nhanh, test RT-PCR… theo đúng quy định để đáp ứng kịp thời, đảm bảo xét nghiệm rộng, nhanh nhằm ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng; rà soát đánh giá năng lực của các kho chứa, phương tiện vận chuyển, cơ sở vật chất, đội ngũ… để xây dựng Kế hoạch tiếp nhận và tổ chức thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các đối tượng trên địa bàn khi có nguồn vaccine; tích cực liên hệ với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tìm thêm nguồn vaccine để phục vụ nhu cầu tiêm phòng của tỉnh.

Cùng với đó, khẩn trương hệ thống hóa các quy định, quy trình để phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các địa phương hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng ngay các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả để giảm áp lực cho lực lượng y tế.

Khẩn trương hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đưa Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh đi vào hoạt động tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh phục vụ cho điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tỉnh (ban đầu 100 giường, mở rộng lên 200 giường).

Không được ngăn sông cấm chợ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp rà soát, tổ chức đưa người vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ đang sống tại các nơi công cộng vào Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội để quản lý kiểm soát, phòng chống dịch.

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương phối hợp với các địa phương trong việc kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong mọi tình huống; hướng dẫn triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà và giãn cách khi mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, cần thiết tham mưu hạn chế việc di chuyển của người dân tùy theo tình hình diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh nhưng với tinh thần không được "ngăn sống cấm chợ". Hướng dẫn cụ thể quy trình vận chuyển hàng hóa đi, đến những nơi đang phong tỏa...

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở Y tế tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, các giải pháp phòng, chống và kết quả đạt được để chỉ đạo cơ quan truyền thông tuyên truyền cho phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp tham mưu các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh; trong truy vết các ca F0, F1, F2; giám sát đối tượng cách ly tại nhà; tăng cường ứng dụng các giải pháp quản lý khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR.

Xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn tuyệt đối

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn tuyệt đối.

Trong trường hợp xuất hiện các yếu tố dịch tễ không đáp ứng tổ chức thi tại các điểm thi theo thời gian quy định thì kịp thời tham mưu UBND​ tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định trước ngày 25/6/2021.

UBND cấp huyện và Ban Quản lý các khu công nghiệp phải chủ động phối hợp thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể ứng phó với tình huống xuất hiện các ca F0, F1, F2,… theo đúng quy định; đồng thời thành lập ngay các Tổ COVID-19 cộng đồng của các doanh nghiệp và hướng dẫn, tập huấn để Tổ này hoạt động thực chất, hiệu quả.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục tuyên truyền vận động nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch và phối hợp với các sở, ban, ngành quan tâm chăm lo các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung của chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ngày 23/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương đã có công văn trình UBND tỉnh đề xuất chính sách hỗ trợ các đối tượng người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng, lao động gặp khó khăn do phải chịu cách ly y tế để phòng, chống COVID-19. 

Theo đó, Sở LĐTB&XH đã trình phương án hỗ trợ NLĐ làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, đơn vị đang điều trị COVID-19 hoặc đang thực hiện quyết định các ly y tế tập trung, giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Cụ thể, nhóm đối tượng mức hỗ trợ gồm có 3 nhóm. Nhóm 1:  NLĐ đang điều trị COVID-19 (đối tượng F0), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Nhóm 2:  NLĐ là F1 phải cách ly y tế tại các nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ cho NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn được hỗ trợ 1 lần với mức 1,5 triệu đồng/người.

Nhóm 3: NLĐ có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ mang thai, NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; NLĐ buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ 1 lần là 500.000 đồng/người. 

Đề xuất cũng nêu rõ, đối với NLĐ thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức cao nhất. Trường hợp đã hưởng ở mức thấp, sau đó được chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao thì chỉ được hưởng thêm khoản chênh lệnh giữa 2 mức. Dự kiến nhóm đối tượng này sẽ được thực hiện  theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Riêng đối với NLĐ thuộc nhóm 2 và 3 làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không có đóng kinh phí công đoàn, căn cứ vào các quy định liên quan, trong khi chờ Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ cho đối tượng này, trước mắt qua làm việc giữa Sở LĐTB&XH với Sở Tài chính đã thống nhất nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thuộc nhóm 2 và nhóm 3. 

Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cũng đã đề xuất với Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương xem xét hỗ trợ các đối tượng từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Theo đó, dự kiến tổng mức kinh phí hỗ trợ khoảng 12 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2.000 người sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ trường hợp và khoảng 20.000 người thuộc nhóm đối tượng 3 được hỗ trợ 500.000 đồng/ trường hợp. 

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, việc thực hiện các đề xuất dành cho NLĐ thuộc nhóm 2 và 3 làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không có đóng kinh phí công đoàn hiện nay phải thông qua HĐND tỉnh ban hành nghị quyết liên quan. Do tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đang có những diễn biến phức tạp, việc thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng NLĐ chịu ảnh hưởng chỉ trong khoản thời gian và tính khẩn cấp, cùng với đó số đối tượng NLĐ hưởng hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước không nhiều, vì hiện có trên 80% NLĐ trên địa bàn tỉnh làm việc các doanh nghiệp, đơn vị đều có đóng kinh phí công đoàn./.