Thành hình, nhưng…
Đến 2010, tỉnh Bình Thuận đã có 4 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động: KCN Phan Thiết 1, Phan Thiết 2, Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2 nhưng cũng đều nằm trong bối cảnh buồn, vì rất ít doanh nghiệp đầu tư. Đơn cử, KCN Phan Thiết 1 được khởi xướng xây dựng từ 1999, đến năm 2005 hoàn thành và hoạt động cho đến nay. Hiện có 26 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với nhiều ngành nghề, có vốn đầu tư lên đến 1000 tỷ đồng, 3 DN khác đang hoàn tất xây dựng. Tiếp sau Phan Thiết 1, là KCN Phan Thiết 2 - phần mở rộng KCN Phan Thiết 1 hoạt động từ năm 2008, cũng hoàn thành xong cơ sở vật chất ban đầu với tổng vốn 60 tỷ đồng. Nếu nói không quá, thời điểm xây dựng, KCN Phan Thiết được xem là một trong những công trình kinh tế trọng điểm, tạo đà để đưa ngành công nghiệp của địa phương phát triển. Để sau đó, có những chiến lược phát triển tốt hơn, cụ thể ở mảng Nam chính là KCN Hàm Kiệm 1.
KCN Hàm Kiệm 1 do Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại địa ốc Hoàng Quân (gọt tắt Cty Hoàng Quân), làm chủ đầu tư trong diện tích 146ha. Sau 2 năm, KCN Hàm Kiệm 1 đã chỉnh chu về cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện nay, chỉ có Công ty sản xuất nước mắm sạch Hồng Phú đầu tư trên diện tích 7ha, với nguồn vốn 400 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp Hồng Phú cho biết, khi hình thành, dây chuyền công nghệ hiện đại sẽ đáp ứng 110.000 - 120.000 lít/ngày. Riêng KCN Hàm Kiệm 2, với 436 ha do Bita’s làm chủ đầu tư, với mục tiêu 2013 sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng. Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện dự án này đã đạt 70% yêu cầu.
Ở KCN Phan Thiết, Công ty TNHH May Thuận Tiến là một trong những doanh nghiệp “cổ thụ” nhất. Công ty này hiện đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Điệp cho rằng: “Cung đường vận chuyển xa, Bình Thuận lại không có cảng mà hầu hết các doanh nghiệp ở KCN là chi nhánh sản xuất. Bên cạnh đó, chất lượng lao động quá kém, vì thế các doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo nguồn lao động, và công tác này gây tốn kém không ít cho doanh nghiệp”. Công ty TNHH May Thuận Tiến hoạt động từ tháng 10/2004, mục đích ban đầu khi mở tại Bình Thuận chính là chuyển dịch công nghiệp ra khỏi TP.HCM, góp phần đưa công nghiệp của địa phương phát triển. Công ty này đã làm được khi giải quyết việc làm cho 1.050 lao động, với mức lương 2,3 triệu đồng/tháng/người”.
Chưa thu hút đầu tư
Nếu xét về vị thế, Bình Thuận có quá nhiều điểm không thuận lợi so với các tỉnh khác, trong quá trình thu hút đầu tư công nghiệp. Chính vì vậy, sau nhiều năm các KCN vẫn chưa có dấu hiệu “bứt phá”. Một số KCN vẫn không thu hút được đầu tư. Theo đánh giá của Ban Quản lý KCN: Bình Thuận không có cảng biển, nguyên vật liệu đều phải vận chuyển về cảng tại TP.HCM, hoặc Đồng Nai, sau đó vận chuyển tiếp về địa phương. Giao thông không thuận lợi, khiến giá thành nguyên vật liệu tăng cao. Ông Giang Công Tuyên - Phó Ban Quản lý các KCN cho biết thêm, một yếu tố cũng ảnh hưởng khiến các nhà đầu tư không mạnh dạn chính là nguồn lao động. Nguồn lực lao động tại chỗ có nhiều, nhưng sau khi được đào tạo, không tiếp tục ở lại mà chạy về các thành phố lớn, hoặc các KCN lớn. Thực trạng “chảy máu” lao động vẫn cứ diễn ra.
Giá đất tại các khu công nghiệp không cao, nhưng vẫn chưa thu hút nhà đầu tư mạnh dạn “đổ vốn”. Ở TP. HCM, mức giá rẻ nhất là 120 USD/m2, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất vẫn là 60 USD/m 2 . Trong khi đó, tại Bình Thuận giá chào thuê đất trả 1 lần chỉ từ 27 - 28 USD/m 2 , trả dần trong vòng 5 năm. KCN Hàm Kiệm 1 cũng áp dụng hình thức ưu đãi bằng cách giảm trong 10 ha, chỉ từ 22 - 23 USD/m 2 , giá sàn chung từ 24 - 26 USD/m 2 nhưng vẫn chưa thấy khả quan trong vấn đề thu hút đầu tư.
Hiện nay, còn nhiều dự án khác đầu tư vào các khu công nghiệp như Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức, Kê Gà, Hàm Cường nhưng cũng chưa rục rịch vì lấn cấn quá nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề đền bù, hỗ trợ đang đặt ra làm chùn bước các doanh nghiệp. Theo Nghị định 69 của Chính phủ, tiền đền bù giá đất theo địa phương được hỗ trợ từ 1,5 - 5 lần giá đất hiện tại. Vậy nên, giá bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao. Dự án ở Tân Đức là một ví dụ điển hình. Nếu áp dụng theo Nghị định 69, dự án Tân Đức phải chi bồi thường giải phóng mặt bằng ít nhất trên 700 tỷ đồng, Sơn Mỹ 2 trên 1.560 tỷ đồng. Một số KCN có chung nhận định: Chi phí đền bù quá cao, nên lúc đó giá thuê đất sẽ tăng khoảng 58 - 60 USD, nên các nhà đầu tư chưa dám đầu tư. Trong khi đó, Đồng Nai áp dụng mức bồi thường hỗ trợ chỉ ở mức 0,5 lần giá đất hiện tại. Nói vậy, nhiều nhà đầu tư cũng hy vọng trong thời gian tới tỉnh sẽ có những chính sách thỏa đáng hơn để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, việc hình thành cảng Kê Gà, đường cao tốc Long Thành - Phan Thiết sẽ là đòn bẩy đưa công nghiệp phát triển. Năm 2011, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những quy định về hỗ trợ giá đất, chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư khi thuê đất khi quyết định đầu tư tại Bình Thuận.
P.V - B.T