In bài viết

Bình Thuận đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

(Chinhphu.vn) - Mỗi năm tỉnh Bình Thuận chi hơn 5 tỷ đồng ngân sách cho công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, gây tốn kém về kinh phí và thời gian kéo dài đến 6 tháng. Việc này đã ảnh hưởng đến các quyền của người sử dụng đất.

17/02/2023 16:33
Bình Thuận đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Vi Vân góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Hội nghị do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại TPHCM - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức tại TPHCM, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương đã tổ chức 2 đợt lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều góp ý đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, còn một số nội dung trong Dự thảo Luật chưa được làm rõ, chưa tháo gỡ được những vấn đề nóng liên quan đến đất đai tại địa phương này.

Tốn kém chi phí lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã tiếp thu nhiều đóng góp của tỉnh Bình Thuận, trong đó có nội dung liên quan đến kế hoạch sử dụng đất tại Khoản 3, Điều 65. 

Theo đó, với cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo góp ý của tỉnh Bình Thuận kiến nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét lại việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm có mang lại hiệu quả hay không?

Bà Phan Thị Vi Vân,  Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận nêu dẫn chứng cụ thể: Tại Bình Thuận, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm rất tốn kém kinh phí. Bình Thuận là tỉnh nhỏ nhưng ít nhất mỗi năm chi 500 triệu đồng/huyện, tương đương toàn tỉnh chi hơn 5 tỷ đồng/năm cho việc lập kế hoạch sử dụng đất nhưng kết quả thực hiện đối với các loại đất tương đối thấp, trừ đất ở.

Trong khi quá trình triển khai tốn nhiều công sức và thường kéo dài đến 6 tháng nên các quyền của người sử dụng đất bị ảnh hưởng do chậm trễ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Còn nhiều bất cập và chưa hợp lý

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định quy hoạch sử dụng đất cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên.

Nội dung này bà Phan Thị Vi Vân cho rằng không phù hợp, bởi vì từ thực tế tại tỉnh Bình Thuận, quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng. Trong khi quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ thể hiện khoanh vùng đất chung chung, không thể hiện hết các công trình tại các địa phương. Còn quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo chỉ tiêu được phân bổ đến từng thửa đất, thể hiện chi tiết nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực.

Vì vậy, báo cáo góp ý của tỉnh Bình Thuận đề nghị tiếp tục điều chỉnh thành "quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch sử dụng đất cấp trên".

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cũng nêu vấn đề: Có cần thiết phải lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay không? Theo bà Vi Vân, quy hoạch cấp tỉnh đã có phương án và phân bổ khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Việc lập thêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ trùng lặp nội dung công việc.

Đồng thời, Luật Quy hoạch hiện hành không có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Do vậy nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn giữ nội dung này thì phải sửa đổi Luật Quy hoạch cho đồng bộ.

Về công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư, Điều 94 và Điều 107 đang mâu thuẫn nhau về điều kiện được tái định cư. Điều 107 quy định, bố trí tái định cư khi có hai điều kiện: Thu hồi đất ở và phải di chuyển chỗ ở. Nhưng Điều 94 lại quy định: Khi thu hồi đất ở thì được bồi thường đất ở.

"Trường hợp này đã bồi thường bằng đất ở thì có bố trí tái định cư nữa không? Việc bồi thường đất ở và bố trí tái định cư nên hiểu là cùng một việc giao đất ở mới hay là 2 việc khác nhau? Điểm này chưa rõ ràng nên cần điều chỉnh cho thống nhất trong việc áp dụng pháp luật", bà Phan Thị Vi Vân đề xuất.

Liên quan đến vấn đề định giá, Dự thảo Luật quy định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Song, tỉnh Bình Thuận đề xuất đối với trường hợp bồi thường đất ở hoặc bố trí tại định cư tại chỗ, thời điểm này khu dân cư chưa hình thành nên kiến nghị giá đất nên được xác định sau khi dự án hình thành và có giá đất cụ thể.

Hiện nay, theo bà Phan Thị Vi Vân, bảng giá đất đang áp dụng 5 năm. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương, sau 2-3 năm mới thực hiện điều chỉnh. Do đó, Bình Thuận đề nghị bảng giá đất được xây dựng định kỳ 2 năm/lần chứ không phải hằng năm nhằm đảm bảo tính ổn định của bảng giá đất, tiết kiệm kinh phí, nhân lực cho việc xây dựng bảng giá đất.

Băng Tâm