In bài viết

Bình Thuận: Gấp rút chuẩn bị phương án cho tình huống dịch phức tạp hơn

(Chinhphu.vn) – Do năng lực điều trị, cơ sở phục vụ công tác điều trị người mắc COVID-19 có hạn vì vậy, các địa phương trong tỉnh phải gấp rút chuẩn bị phương án cho tình huống dịch nguy cơ cao hơn, phức tạp hơn.

06/08/2021 11:23
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong phát biểu tại cuộc họp phòng chống dịch chiều 5/8. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận

Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 toàn tỉnh tổ chức trong chiều 5/8.

Theo báo cáo của Sở Y  tế tỉnh Bình Thuận, đến ngày 5/8, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 912 ca mắc COVID-19 (riêng ngày 5/8 có 75 trường hợp nghi nhiễm); số điều trị khỏi, xuất viện là 78 trường hợp và có 2 ca tử vong. Các địa bàn có số ca mắc cao là thị trấn La Gi (772 trường hợp), TP. Phan Thiết (37), huyện Tánh Linh (31)…

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn 8 huyện; thị xã La Gi và TP. Phan Thiết thực hiện Chỉ thị 16.

Tình hình dịch bệnh tại Bình Thuận diễn biến ngày càng phức tạp, “điểm nóng” là thị xã La Gi và TP. Phan Thiết với số ca mắc ngày càng tăng.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh trong khi năng lực cũng như cơ sở phục vụ công tác điều trị người mắc COVID-19 của tỉnh có hạn do đó, các địa phương cần phải gấp rút chuẩn bị phương án cho tình huống dịch nguy cơ cao hơn, phức tạp hơn trên từng địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu đến hết ngày 8/8, các địa phương phải có kế hoạch xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng nhằm rà soát nguồn lây và đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Các địa phương tiếp tục siết chặt kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc cho người từ vùng dịch vào địa phương. Đối với các chợ dân sinh hiện đang hoạt động, phải làm tốt công tác phân luồng, thực hiện 5K. Các chợ phải xây dựng “vùng đệm” cho việc giao, nhận hàng.

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, phải xem Bệnh viện đa khoa tỉnh là tuyến cuối trong công tác điều trị, do đó phải hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Với các trường hợp người nghiện ma túy là F0, F1, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế có phương án thành lập các khu cách ly tập trung riêng biệt dành cho các đối tượng này.

BT