Ảnh minh họa |
Nhà máy có công suất 30 MW, được xây dựng trên khu đất 50 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp mỗi năm khoảng 63 triệu kw/h điện thương phẩm.
Công nghệ sử dụng cho nhà máy được lựa chọn từ các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như: Jinko Solar (top 1 thế giới về tấm pin), Power Electronic (top 10 thế giới về inverter), Daihen (một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại Nhật Bản về máy biến áp công suất lớn).
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh cho TTXVN biết, Bình Thuận là một trong những địa phương có số giờ nắng nhiều, có bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời, nhất là tại các khu vực phía bắc của tỉnh. Phát triển điện mặt trời cũng là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Hiện nay, điện năng lượng mặt trời đã và đang có sức thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì thế, việc đầu tư dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Tuy Phong là phù hợp với chiến lược phát triển, đánh dấu mốc quan trọng của sự phát triển năng lượng điện mặt trời của tỉnh.
Dự án cũng mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho địa phương. Đồng thời, còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, giảm thải hiệu ứng phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án điện mặt trời với nhu cầu sử dụng đất khoảng 7.730 ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân…
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 4.000 MW. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 14 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư khoảng 20.700 tỷ đồng./.
TB