In bài viết

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó Bão số 2

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, an toàn cho người, tài sản của nhân dân; rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu.

12/06/2021 22:23

Ngày 12/6, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 04/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Ban Chỉ huy ƯPT: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp và mưa lớn.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt tập trung bảo đảm vấn đề an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai.

Bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, an toàn cho người, tài sản của nhân dân; rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu.

Chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kiên quyết không để người ở lại chòi canh, lồng bè; tổ chức gia cố nhà ở, các công trình công cộng.

Đối với vùng núi: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản; sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương, đặc biệt là đối với những khu vực cần tổ chức sơ tán dân.

Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341042; Fax: 069.2341044)./.