Theo đó, từ 15/4 đến hết 15/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trên đường bộ: Trên đường bộ, lực lượng CSGT áp dụng triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm, quản lý công tác cán bộ, chiến sĩ CSGT.
Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện; chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ; phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chủ động ngăn chặn ngay từ khi nhen nhóm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm... thường xuyên tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe ô tô, mô tô để xử lý các vi phạm; sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm.
Duy trì và phát huy hiệu quả các tổ công tác phối hợp giữa CSGT và các lực lượng Công an khác để phát hiện, xử lý các đối tượng cố ý vi phạm về TTATGT, tụ tập xe mô tô phóng nhanh lạng lách gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép, kết hợp với đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trên đường sắt: Bố trí lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường sắt chủ động phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các phương tiện giao thông đường bộ vượt đèn đỏ, chắn tàu khi đã đóng tại các đường ngang; xây dựng các công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường sắt; xử lý, giải quyết tình trạng mở lối đi tự phát.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn kỹ thuật của hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; việc chấp hành quy trình tác nghiệp, nồng độ cồn của công nhân viên đường sắt.
Trên đường thủy nội địa: Chủ động và phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp, các tuyến đường thủy du lịch từ bờ ra đảo; tập trung vào hoạt động vận tải hành khách ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động; các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa; phương tiện thủy đưa đón học sinh, chở khách tại các khu du lịch, phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn...
Tập trung kiểm tra ngay tại bến xuất phát; kiên quyết đình chỉ các bến, phương tiện thủy không đảm bảo điều kiện an toàn, nhất là vi phạm quy định về cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, phương tiện thủy ‘‘Ba không’’.
Đồng thời tổ chức tốt công tác nắm tình hình, rà soát lại toàn bộ các phương án phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cho phù hợp, kịp thời huy động lực lượng, phối hợp và bố trí lực lượng thường trực, ứng trực để giải quyết khi có dấu hiệu ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, như: 1, 2, 3, 5, 6, 14, 18, 19, 20, 22, 51..., đường Hồ Chí Minh; các địa điểm tổ chức các lễ hội, các bến xe, bến tàu, nhà ga có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc.
Trong công tác điều tra xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông và phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra; kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án sớm đưa ra xét xử nhằm răn đe, giáo dục chung.
Chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông.
Thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát và phối hợp với các đơn vị Công an có liên quan, kịp thời phát hiện và bắt giữ các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường; các vụ buôn bán, tàng trữ, chất nổ, vũ khí trái phép, hàng cấm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với tuyến đường thủy, bố trí lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên những tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, chủ động phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm trộm cắp, buôn bán ma túy, khai thác, kinh doanh, tập kết cát, sỏi, tài nguyên trái phép, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ...
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về đợt cao điểm, nhất là các hành vi vi phạm về TTATGT, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, các vụ chống người thi hành công vụ, việc truy tố, xét xử các vụ TNGT nghiêm trọng, đua xe trái phép; đối tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, uống rượu bia điều khiển phương tiện; trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình, chủ phương tiện trong việc quản lý, giáo dục con em; trách nhiệm của nhà trường và ngành giáo dục, của cộng đồng dân cư trong việc giám sát, xử lý học sinh, sinh viên vi phạm về TTATGT.
Thông báo công khai trên đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương để nhân dân biết về công tác phân luồng giao thông; công tác xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng CSGT trong đợt cao điểm…
Thời gian thực hiện kế hoạch này từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5.