Thực hiện Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao về việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; đồng thời, nghiên cứu trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can.
Tại cuộc Hội thảo tổ chức ngày 30/5, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về quá trình ghi âm, ghi hình có âm thanh được thực hiện công khai trong quá trình hỏi cung; việc sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; đơn vị quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó tính toán đến yêu cầu của kỹ thuật trong việc trang bị cơ sở vật chất cho việc ghi âm, ghi hình.
Các đại biểu đều thống nhất, hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cần bảo đảm hình ảnh trung thực, âm thanh rõ nét; phải được vận hành dễ dàng và phù hợp với quy trình thực hiện công tác hỏi cung; hệ thống tự động vận hành, các quá trình ghi âm, ghi hình, trích xuất dữ liệu có mã hoá để bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật; hệ thống phải tận dụng được tối đa hạ tầng cơ sở hiện có của Bộ Công an…
Thứ trưởng Bùi Văn Thành yêu cầu, trước mắt, cơ quan chức năng thuộc Bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống, phải tính toán cho phù hợp với điều kiện của lực lượng Công an trong việc triển khai các quy định của pháp luật, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương xem xét ban hành. Đồng thời, các cơ quan chức năng thuộc Tổng cục Hậu cần-kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật và việc đầu tư xây dựng hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.