Căn cứ kết quả xác minh, điều tra bước đầu xác định, anh Phạm Văn Cường (sinh năm 1975, quê Nam Định), thuê nhà số 15-TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.
Theo quy luật, hằng ngày anh Cường mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.
Lúc 8h30’ sáng 19/3/2016, tại vỉa hè trước cửa số nhà 19- TT19 (vị trí xảy ra vụ nổ) anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm di chuyển khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có hai đai sắt hình vuông nhô ra, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.
Khoảng 14h40’ cùng ngày, anh Cường ra vỉa hè trước cửa tiếp tục làm công việc phân loại, cắt phá bán sắt vụn.
Đến 15h10’ thì vụ nổ xảy ra, hậu quả làm anh Cường và 3 người qua đường chết, 10 người khác bị thương; 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa, trong đó có 8 căn hộ đã có người ở, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom, mìn.
Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.
Hiện cấp ủy, chính quyền quận Hà Đông đã thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP về việc hỗ trợ, thăm hỏi gia đình các nạn nhân; sơ tán các gia đình bị hư hỏng nhà cửa, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tình hình tại địa phương.
Nhiều nạn nhân đã qua cơn nguy kịch
Liên quan đến việc cứu chữa người bị nạn, TTXVN cho biết, có 2 bệnh nhân (anh Nguyễn Anh Đức, 30 tuổi và Nguyễn Duy Tranh, 57 tuổi) cùng ở Văn Phú, Hà Đông bị chấn thương phần mềm nhẹ đã được Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu xử lý vết thương đã xuất viện.
Nhiều bệnh nhân khác trong tình trạng nguy kịch cũng đã được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời như: Chị Nguyễn Thị Hằng, 26 tuổi (Mỗ Lao, Hà Đông); Chị Nguyễn Vũ Thị Linh, 28 tuổi ( phường Yết Kiêu, Hà Đông); Chị Trần Thị Thanh Huyền, 26 tuổi (Văn Phú, Hà Đông); Chị Lê Thị Kim Phương, 32 tuổi đã được khâu hàng chục mũi cho các vết thương vùng mặt. Tất cả đã qua cơn nguy kịch.
Có nhiều thông tin cho rằng vụ tai nạn nặng đã khiến chị Nguyễn Thị Lệ, 23 tuổi (Thanh Thùy, Thanh Oai) đã tử vong sau khi nhập viện 103. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, đến 10 giờ ngày 20/3 nạn nhân Nguyễn Thị Lệ đã được phẫu thuật xong và đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh tình còn rất nặng đang tiếp tục theo dõi điều trị đặc biệt. Ngoài ra, anh Đăng Cao Thủy (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) bị nạn cùng chị Lệ cũng đang trong tình trạng nguy kịch.
Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ
Sau khi nhận được tin về vụ việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình có người bị chết và người bị thương, ổn định nơi ở cho các gia đình bị ảnh hưởng; đồng thời yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ nổ này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân và thân nhân gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ; nhanh chóng ổn định tình hình, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.