In bài viết

Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ký kết Quy chế phối hợp

(Chinhphu.vn) – Chiều tối 21/11, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV ký kết Quy chế phối hợp.

21/11/2019 18:13

Toàn cảnh Lễ ký kết. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tham dự Lễ ký có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến.

Thực hiện Quy chế phối hợp số 02/QCPH-BCA-HĐDT ngày 11/2/2015, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác trao đổi thông tin; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu, kiến nghị ban hành, triển khai thực hiện các nội dung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Công tác phối hợp giữa 2 cơ quan đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,…

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 02, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội còn một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phối hợp.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, hai bên đã thống nhất và xây dựng Quy chế phối hợp mới thay thế Quy chế phối hợp số 02.

Quy chế phối hợp mới được 2 bên ký kết gồm 3 chương, 11 điều, đề cập toàn diện và đầy đủ về căn cứ ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, nội dung, hình thức và phân công trách nhiệm của Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong công tác phối hợp.

Cụ thể, Chương 1 của Quy chế gồm 3 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc phối hợp và tiêu đề của 6 nội dung phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Chương II, gồm 6 điều, quy định về trách nhiệm của Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong từng nội dung phối hợp về: trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 cơ quan. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự có liên quan đến việc giám sát và thực hiện chính sách dân tộc. Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giám sát, khảo sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, hai bên phối hợp trong công tác cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước; bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện, hội nghị quan trọng và hoạt động đối ngoại do Hội đồng Dân tộc tổ chức. Tuyên truyền và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về tổ chức thực hiện (Chương III của Quy chế), có quy định rõ hàng năm, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội luân phiên chủ trì đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Quy chế và xây dựng, thống nhất kế hoạch phối hợp cụ thể trong năm tiếp theo.

Nguyễn Hoàng