![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải-Ảnh moit.gov.vn |
Doanh nghiệp kêu “áp đặt quá mức”
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện để được xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải vượt qua được ít nhất bốn điều cấm đang áp dụng. Thứ nhất, doanh nghiệp phải có giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó yêu phải sở hữu ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Khi có hợp đồng, doanh nghiệp phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được dù hai phía đã thỏa thuận xong. Tiếp đó, doanh nghiệp phải chịu tác động của chính sách giá sàn do VFA đưa ra. Cuối cùng, doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào các thị trường tập trung là Philippines, Indonesia, Cuba và Iraq.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các điều kiện xuất khẩu gạo đang áp dụng là điều vô lý và không minh bạch; là một ví dụ điển hình của việc cơ quan quản lý áp đặt quá mức về phương thức kinh doanh.
Cụ thể, các điều kiện nói trên - với yêu cầu rất lớn về vốn đầu tư - gần như chặn đứng cơ hội tham gia thị trường của những doanh nghiệp nhỏ. Trong khi, thị trường có những phân khúc vô cùng đa dạng, nhiều phân khúc không yêu cầu nguồn cung lớn đến thế.
Việc đặt ra rào cản quá cao gây ra nhiều hệ lụy khác. Các doanh nghiệp lớn – nhất là các doanh nghiệp có được hợp đồng xuất khẩu tập trung - vì ít đối thủ cạnh tranh nên không quan tâm lo thị trường, làm thương hiệu. Kết quả là hạt gạo Việt Nam chỉ bán được ở những phân khúc chất lượng không cao, thậm chí giá gạo xuất khẩu còn thấp hơn giá gạo trong nước.
Trước những ý kiến này, ngày 2/12, Bộ Công Thương vừa chính thức công bố quan điểm về những quy định xuất khẩu gạo hiện hành.
Bộ nói ngăn ngừa đầu tư dàn trải, lãng phí
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây, theo Cơ chế quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được xuất khẩu gạo, không quy định điều kiện kinh doanh đối với xuất khẩu gạo.
Nhưng theo ông Hải, cơ chế này, bên cạnh khía cạnh tích cực là sự tự do, thông thoáng, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như không xác định rõ trách nhiệm của thương nhân với các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của đất nước, với người nông dân sản xuất lúa gạo, với việc bình ổn giá thu mua lúa cho người nông dân và giá bán gạo cho người tiêu dùng trong nước.
Nhiều doanh nghiệp không có kho tàng, không có cơ sở chế biến, không chủ động thu mua, dự trữ, không kinh doanh chuyên sâu ngành lương thực, chỉ tham gia xuất khẩu khi thị trường thuận lợi. Kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ thực hiện được phần ngọn của quá trình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; khi doanh nghiệp ký được hợp đồng mới tổ chức thu mua, gây bất ổn thị trường…
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm thiết lập hành lang pháp lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định đã quy định các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thực tế quá trình thực hiện Nghị định đến nay cho thấy, việc quy định các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã phát huy tác dụng tích cực; đã sàng lọc được những thương nhân có năng lực, có định hướng đầu tư lâu dài phục vụ lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo... Mặt khác, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng góp phần tích cực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, góp phần bảo đảm ổn định thị trường lúa gạo trong nước.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cho thấy một số vấn đề cần được điều chỉnh như nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có thể dẫn tới một cuộc “chạy đua” đầu tư gây lãng phí cho đầu tư xã hội, số lượng thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận ngày càng tăng”, Thứ trưởng phân tích.
Trong khi đó, năng lực, hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều thương nhân còn hạn chế, năng lực thương mại yếu, không tiếp cận được thị trường. Việc xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất còn bất cập.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chủ trì, xây dựng, ban hành Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, xác định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì Giấy chứng nhận, trong đó, có tiêu chí kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh được quy hoạch trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố. Bộ cũng đã ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.
“Các tiêu chí này nhằm hướng đầu tư hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng đầu tư, dàn trải, kém hiệu quả gây lãng phí cho đầu tư của doanh nghiệp và xã hội”, Thứ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thực tế hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua, có một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc sản, chất lượng cao nhưng số lượng xuất khẩu chưa nhiều. Việc đầu tư xây dựng ngay kho chứa, cơ sở xay xát ở quy mô lớn sẽ không hiệu quả và rủi ro. Một vài doanh nghiệp tại một số địa phương không nằm trong vùng quy hoạch (như Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình) đã đầu tư, xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo và gửi hồ sơ đề nghị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
“Đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh mà dưới góc độ cơ chế, chính sách, Bộ Công Thương xin ghi nhận những ý kiến này và sẽ rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các cơ chế, quy định hiện hành để đề xuất những giải pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm tạo thuận lợi, phát huy tối đa năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Hà Chính