In bài viết

Bộ Công Thương đề xuất cách tính giá điện mới

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới.

06/10/2022 08:33
Bộ Công Thương đề xuất cách tính giá điện mới - Ảnh 1.

Bộ Công Thương vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới

Trong đề xuất đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương dự kiến rút cách tính giá điện xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc (rút gọn bậc 1 và 2); bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước. 

Như vậy, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng.

Theo Bộ Công Thương, sự điều chỉnh này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Ví dụ, một hộ sinh hoạt sử dụng dưới 270 kWh/tháng, với quy định hiện hành sẽ tính theo bậc 4 nhưng ở phương án đề xuất sẽ theo bậc 3 (với mức giá cao hơn). Do đó, tiền điện tăng thêm bình quân khoảng 2,32% và mức tăng tối đa gần 4,5% so với hiện nay. 

Ngược lại, hộ sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh lại giảm tiền điện trung bình khoảng 2,47% và mức giảm nhiều nhất là 4,82%, trong khi các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên sẽ chịu tiền điện tăng bình quân 3,87%.

Xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh vào chi phí sản xuất

Theo Bộ Công Thương, đề xuất lần này được xây dựng trên cơ sở giá điện sẽ phản ánh vào chi phí sản xuất, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng. Bởi cơ cấu giá điện hiện nay chỉ có một thành phần cho tất cả hộ tiêu dùng, nên dẫn tới việc giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho khối sản xuất (sử dụng nhiều điện năng) để cân bằng doanh thu. Đây là cơ sở để bảo đảm chi phí phát sinh cho từng khâu.

Việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách theo Bộ Công Thương vẫn được áp dụng, sẽ giữ nguyên giá điện hiện hành trong bậc 0-100 kWh. Việc này nhằm bảo đảm ổn định cho hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện ít và ngân sách Nhà nước không thay đổi.

Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ dùng từ 101 kWh trở lên. Với việc rút gọn bậc 1 và 2 thành một bậc và giá điện tăng (từ 1.549 đồng lên 1.678 đồng), số tiền ngân sách hỗ trợ thêm mỗi năm khoảng 42 tỉ đồng.

Bộ Công Thương đề xuất cách tính giá điện mới - Ảnh 3.

Mức điều chỉnh giá điện sinh hoạt 5 bậc so với giá hiện hành

Ngoài phương án 5 bậc, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án tính giá điện theo 4 bậc.

Phương án tính giá điện theo 4 bậc được đánh giá là đơn giản trong áp dụng, phù hợp với xu thế cải tiến. 

Tuy nhiên, phương án này sẽ làm tăng tiền điện phải trả với các hộ có mức sử dụng 119-232 kWh/tháng và trên 806 kWh/tháng. Với mức tăng tiền điện mỗi hộ tối đa 12.100 đồng/tháng, cơ quan quản lý đánh giá không có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

Giá bán điện cho sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp cũng thay đổi, bổ sung thêm bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, chiếu sáng công cộng… Việc phân bổ chi phí của ngành điện sẽ theo cấp điện áp và theo nhóm khách hàng điện, trong đó giữ nguyên giá ở khung giờ bình thường, cao điểm như hiện hành, nhưng điều chỉnh tăng giá ở khung giờ thấp điểm.

Nhóm khách hàng kinh doanh cũng được bổ sung cơ sở lưu trú, du lịch áp dụng giá bán lẻ điện bằng nhóm khách hàng sản xuất và các hộ kinh doanh khác. Giá bán điện theo 4 cấp điện áp cũng sẽ được áp dụng cho nhóm khách hàng sản xuất.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện tại được áp dụng từ 2014, chia 6 bậc thang nhưng đang bộc lộ nhiều bất hợp lý trong chênh lệch giá giữa các bậc. Chưa kể, tỉ trọng hộ dùng điện ở nhóm khách hàng thấp (50 kWh) đang giảm dần, nhóm trung bình và cao (200-300 kWh và 301 kWh trở lên) tăng nhanh chóng.

 Phan Trang