Bộ Công Thương nhận định, Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh, chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí trong thời gian tới sẽ được Bộ Công Thương điều chỉnh theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương với 60 điều.
Trong đó, ở mục điều kiện kinh doanh, Đại diện Ban soạn thảo nhận định, các quy định của Nghị định 19 về điều kiện kinh doanh khí (điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối...) đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, không còn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.
Do vậy, Dự thảo Nghị định mới đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà.
Theo đó, thương nhân xuất, nhập khẩu khí chỉ cần có cầu cảng hoặc thuê cầu cảng, có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai bảo đảm các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Thương nhân sản xuất chế biến có cơ sở sản xuất được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng, có phòng thử nghiệm hoặc thuê phòng thử nghiệm, có dây chuyền, máy thiết bị được kiểm định; thương nhân kinh doanh mua bán khí chỉ cần có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai bảo đảm các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Cửa hàng bán lẻ LPG chai chỉ cần có hợp đồng bán chai LPG với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực.
Các cơ sở vật chất của thương nhân như trạm nạp, trạm cấp, trạm nén khí chỉ cần đáp ứng điều kiện được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân cũng được mở rộng hơn các quyền trong hoạt động kinh doanh khí, thương nhân tự lựa chọn quy mô doanh nghiệp, năng lực cũng như tự do thiết lập hệ thống phân phối của mình trên cơ sở điều tiết của thị trường.
Đồng thời, ngoài các quyền được mở rộng, trách nhiệm của các thương nhân cũng được quy định cụ thể và rõ ràng hơn như: Thương nhân được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG theo hợp đồng với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp; được ủy quyền bằng văn bản cho chi nhánh hoặc công ty con của thương nhân bán LPG/LNG/CNG hoặc hệ thống phân phối kinh doanh khí của thương nhân bao gồm tổng đại lý, đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ LPG chai vào khu phi thuế quan, khu công nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối do thương nhân quản lý tuân thủ các quy định của Nghị định này; liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của hệ thống phân phối do thương nhân quản lý trong hoạt động kinh doanh khí theo quy định của pháp luật; quản lý số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân; Phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm bảo đảm an toàn cho con người, cơ sở vật chất của thương nhân cũng như bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Với quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí, Dự thảo Nghị định tiếp tục giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí, đồng thời điều chỉnh thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 5 năm lên 10 năm và giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định liên quan đến an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí (bồn chứa khí; kho chứa khí; đường ống vận chuyển khí); an toàn đối với trạm nạp, trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai; an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG. Các cơ sở vật chất này của thương nhân kinh doanh khí sẽ được quản lý theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bộ Công Thương cho rằng, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này.
Phan Trang