Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). |
Trước thông tin về báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã có trao đổi đa chiều về nội dung trên.
Sau khi WB công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của VNEN, dư luận đã có những nhận định khác nhau về báo cáo. Quan điểm của ông về báo cáo này như thế nào?
Tôi cho rằng thông tin trong báo cáo đã đưa ra được những đánh giá tác động của phương pháp giáo dục theo VNEN đối với các chủ thể tham gia bao gồm: Hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và đó là nguồn thông tin quan trọng.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ, đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.
Theo chương trình EN, học sinh đóng vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Mô hình áp dụng tại Việt Nam có cải biên so với nguyên gốc, thực hiện từ năm học 2011-2012 với 6 tỉnh tham gia. Đến năm 2017-2018, có 58 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học với tỷ lệ 18% học sinh tham gia; cấp THCS tỷ lệ học sinh tham gia là 13%. |
Với phương pháp nghiên cứu khoa học, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo là khách quan, tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá.
Trong báo cáo này, căn cứ vào những số liệu nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích khá sâu và có đánh giá thỏa đáng, nhưng nếu những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN được phân tích một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết thì báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.
Bên cạnh nhiều địa phương triển khai thành công, hiện cũng có một số tỉnh đang phản đối VNEN. Theo ông, đâu là khó khăn, vướng mắc nhất trong việc triển khai VNEN và giải pháp đưa ra là gì?
Bản chất của phương pháp giáo dục theo VNEN là thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, khi áp dụng VNEN đa số các trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và đã tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, ở một số nơi do nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ về phương pháp giáo dục theo VNEN; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên… và trong khi triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo VNEN còn hạn chế, nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lí, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học, trong đó chú trọng tập huấn qua mạng, nâng cao vai trò "tự học" và "thực hành" theo tinh thần "tập huấn tại công việc" mà Bộ đã chỉ đạo trong những năm qua.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT đã "buông tay" với VNEN. Thực tế có việc này không, thưa ông? Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với VNEN như thế nào trong thời gian tới?
Tôi không đồng ý với ý kiến cho là Bộ GD&ĐT "buông tay" với VNEN. Thời gian qua, trước các ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai VNEN, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo sát sao và quyết liệt, trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương khi triển khai phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Mới đây nhất, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN, trong đó khẳng định, những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ dừng triển khai và chỉ lựa chọn một số thành tố tích cực của phương pháp giáo dục này để áp dụng.
Tôi muốn khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc đổi mới luôn phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc về nhiều mặt, trong đó không tránh khỏi sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Bộ GD&ĐT luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân để tiếp tục rà soát, hoàn thiện chủ trương và giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu đổi mới của ngành.
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả đánh giá tác động của mô hình trường học mới VNEN. Nhóm nghiên cứu bắt đầu khảo sát từ học sinh lớp 3 năm học 2013-2014 và theo dõi trong hai năm học tiếp theo.
Họ chọn ngẫu nhiên các trường học thực hiện và không thực hiện mô hình VNEN, khảo sát thực địa, phỏng vấn hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh hằng năm. Học sinh sẽ làm một bài kiểm tra đánh giá môn Toán và tiếng Việt được chuẩn hóa. Theo đánh giá của WB, qua giám sát điểm thi môn tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh VNEN "có sức học bằng hoặc hơn các em ở lớp truyền thống". Các em theo học VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu (18 tháng sau khi bắt đầu dự án). Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần trong hai năm sau. |
Phương Liên