In bài viết

Bộ GDĐT dự kiến Chương trình bồi dưỡng GV dạy tiếng Thái, M’Nông

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Thông tư ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông.

10/11/2015 15:33

Ảnh minh họa

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông nhằm củng cố và phát triển các kiến thức và kĩ năng nghiệp vụ cơ bản về dạy học tiếng Thái, tiếng M’Nông nhằm bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy học tiếng dân tộc Thái, tiếng dân tộc M’Nông trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy học tiếng Thái, tiếng M’Nông.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái/M’Nông được dành cho giáo viên dạy học tiếng Thái/M’Nông ở trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo viên sử dụng thông thạo tiếng M’Nông (nghe, nói, đọc, viết) có nguyện vọng dạy học tiếng M’Nông nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng dạy học tiếng M’Nông.

Theo chương trình, giáo viên sẽ được bồi dưỡng tối thiểu 165 tiết. Trong đó có 15 tiết về một số vấn đề chung về việc dạy tiếng dân tộc; 90 tiết kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Thái/M’Nông; 60 tiết phương pháp dạy học tiếng Thái/M’Nông ở trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, văn bản khi được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo viên dạy môn tiếng Thái và M’Nông ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Thái và M’Nông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và cá nhân trong và ngoài nước góp ý dự thảo Thông tư. Các góp ý có thể tập trung vào các vấn đề sau: Nội dung chương trình bồi dưỡng tiếng Thái và M’Nông (những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, vă hóa, phương pháp dạy học; yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng); các vấn đề khác dự kiến có thể phát sinh vướng mắc khi văn bản được triển khai thực hiện; đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các nội dung chưa phù hợp.

Tuệ Văn