Ảnh minh hoạ |
Miễn học phí đối với thân nhân người có công
Sinh viên Bùi Văn Tuấn (buivantuan@...): Bố em bị nhiễm chất độc hoá học, nhưng không tham gia kháng chiến mà do ông nội em tham gia kháng chiến di truyền. Vậy xin hỏi em có được miễn, giảm học phí theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy định đối tượng miễn học phí là: “… con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”. Do vậy trường hợp bố em không tham gia kháng chiến thì sẽ không thuộc đối tượng được miễn học phí.
Sinh viên Đinh Chung (dinhchung1641989@...): Mẹ em là bệnh binh (2/3), đã mất cách đây 7 năm. Em đang học Đại học, những năm trước em vẫn được miễn học phí nhưng năm nay nhà trường thông báo em không được miễn nữa. Xin hỏi trường hợp của em có thuộc đối tượng được miễn học phí không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo các quy định hiện hành về chính sách miễn, giảm học phí trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ không có quy định về việc người có công với cách mạng (cha, mẹ) bị mất thì con không được hưởng chế độ miễn, giảm học phí. Do vậy, trường hợp của em khi đi học ở các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ được miễn học phí.
Học liên thông có được miễn học phí?
Sinh viên Lê Thị Phi Sương (Nghệ An; email: phisuongnh@...): Sau khi tốt nghiệp cao đẳng thời gian trên 36 tháng, tháng 8/2013, em đủ điều kiện dự thi liên thông vào đại học Vinh. Hiện nay em đang theo học hệ liên thông tại trường. Em thuộc đối tượng con thương binh 2/4. Tuy nhiên, theo quy định của trường em không được miễn học phí vì lý do học không liên tục từ cao đẳng lên đại học. Em xin hỏi quy định như thế có mâu thuẫn không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ thì phạm vi áp dụng của Thông tư là: Người có công với cách mạng và con của họ quy định theo học hệ chính qui tập trung có khóa học từ 1 năm trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; học liên tục lên trình độ đào tạo cao hơn gồm: trung cấp lên cao đẳng; cao đẳng lên đại học.
Đối chiếu với quy định trên của Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC do em học liên thông không liên tục nên không được hưởng chế độ miễn học phí.
Một số chuyên ngành được miễn học phí
Học viên Phạm Hồng Thao (Hà Nội; email: phamthao81k@...): Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, học sinh, sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y được miễn học phí. Tôi hiện đang theo học chuyên ngành nàý tại một cơ sở đào tạo đại học công lập và được cơ sở đào tạo trả lời là chỉ miễn học phí cho đối tượng học viên trong chỉ tiêu ngân sách, còn ngoài chỉ tiêu ngân sách (học tự túc) thì không được miễn. Vậy xin hỏi là đối tượng học tự túc các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y thì có được miễn học phí không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 đã bổ sung đối tượng được miễn học phí là: học sinh, sinh viên, học viên học các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y và Giải phẫu bệnh.
Hiện nay, việc giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào quy định của Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào các quy định của Thông tư để đăng ký chỉ tiêu với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó Bộ sẽ thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo chứ không có khái niệm là chỉ tiêu có ngân sách hay không có ngân sách. Do vậy, nếu học sinh, sinh viên, học viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y, Giải phẫu bệnh ở các cơ sở đào tạo y tế công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, được ngân sách Nhà nước cấp bù học phí thì sẽ được miễn học phí.
Học cao học không được miễn học phí
Học viên Lê Hữu Thiện (Thanh Hoá; email: thienhuumath@...): Tôi là con em dân tộc thiểu số (dân tộc Thổ), cư trú tại thôn Yên Thắng, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo (từ năm 2011 tới nay, trước đó là hộ nghèo). Tôi đã tốt nghiệp khoa Toán – Tin Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 6/2013. Hiện tại tôi đang theo học cao học khoá 21 tại Viện Toán học Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam trong chương trình đào tạo liên kết với Đại học Thái Nguyên. Tôi là đối tượng tự do, không do cơ quan, tổ chức nào cử đi học. Xin hỏi trường hợp tôi có được hưởng quyền lợi, ưu tiên hay hỗ trợ gì không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo chính sách miễn, giảm học phí hiện hành của Nhà nước thì việc miễn, giảm học phí chỉ thực hiện đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, học sinh, sinh viên mà không có đối tượng học sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh). Do vậy trường hợp của bạn nếu thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí nhưng học cao học thì không thuộc diện được miễn, giảm học phí.
Chinhphu.vn