Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Không nên áp dụng cứng nhắc
Trả lời phỏng vấn của Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động triển khai, bước đầu chấn chỉnh tốt những hành vi tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, còn có cơ sở do chưa nghiên cứu kỹ quy định, áp dụng một cách cứng nhắc, như tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người dạy trước mặt người học…
“Những trường hợp báo nêu là cá biệt, không phải phổ biến. Hiện Thanh tra Bộ cũng chưa nhận được phản ánh của địa phương về vấn đề này”, ông Bằng cho biết.
Ông Bằng khẳng định, việc địa phương quyết liệt triển khai để chấn chỉnh những hành vi tiêu cực trong dạy thêm học thêm là cần thiết, nhưng quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo, phản giáo dục.
Theo ông Bằng, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm tạo khung pháp lý để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thật của xã hội, từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ hành vi tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Thông tư quy định cụ thể về nguyên tắc dạy thêm học thêm, các trường hợp dạy thêm, học thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm, thủ tục cấp phép, trách nhiệm quản lý....
Nhiều quy định mới được dư luận đồng tình, đánh giá cao như: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;…
Cần rõ về đối tượng dạy thêm, học thêm
Liên hệ với các địa phương, Cổng TTĐT Chính phủ nhận được thông tin ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, để cụ thể hoá quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh và lấy ý kiến các Sở, ngành địa phương để đưa ra quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm tại địa phương.
Ông Hưng cho biết, địa phương sẽ có quy định rõ trường hợp các tổ chức, cá nhân được phép dạy thêm; các đối tượng phải học thêm và không phải học thêm cũng như quy định mức thu cụ thể với các hình thức học thêm trong tỉnh.
Ảnh minh họa |
Thừa nhận việc chấn chỉnh những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là không dễ, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng chia sẻ, do hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường rất khó kiểm soát nên thời gian tới, bên cạnh việc đưa ra các quy định cụ thể, Sở sẽ yêu cầu nhà trường ký cam kết, đồng thời tuyên truyền đến Hiệu trưởng cũng như các giáo viên để hiểu rõ hơn và nghiêm túc thực hiện.
“Bên cạnh đó, để hạn chế những tiêu cực từ việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, cần tạo điều kiện cho các trung tâm tổ chức dạy thêm hoạt động theo đúng quy định cũng như khuyến khích các trường mở lớp dạy thêm chính thức, tập trung”, ông Chinh nói.
Xử lý các trường hợp tiêu cực, hành động phản giáo dục
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến, hướng dẫn Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, giúp các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện và chấp hành đúng các quy định về dạy thêm, học thêm.
“Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh của báo chí và nhân dân về những trường hợp tiêu cực, hành động phản giáo dục liên quan đến dạy thêm, học thêm, từ đó có hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Bằng nói.
Thu Hằng – Thu Huyền (thực hiện)
Tin, bài liên quan:
PGS Văn Như Cương nói về việc dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm với chương trình giáo dục ở nước ngoài