Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, tháng 7/2016, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội về tình trạng “xe dù bến cóc” trong cả nước. Đến nay, một số địa phương đã thông báo một số kết quả triển khai. Tuy nhiên, tình trạng xe giả danh xe hợp đồng chạy tuyến cố định vẫn phát triển ở các địa phương như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,...
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho rằng, Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và các Sở Giao thông vận tải vì bến xe chưa ổn định, chưa khảo sát lưu lượng hành khách, chưa có quy hoạch tần suất của bến xe. Doanh nghiệp muốn mở tuyến mới (chưa có trong quy hoạch), thay đổi lộ trình thì các Sở Giao thông vận tải phải tập hợp nhu cầu để 6 tháng gửi Bộ phê duyệt. Hiệp hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ nên cập nhật các nội dung do các Sở và doanh nghiệp đề xuất.
Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các thủ tục hành chính, trong năm 2016, kiên quyết loại bỏ khoảng 30 - 40% thủ tục rườm rà làm khó cho doanh nghiệp.
Về các vấn đề Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
Như đã được đề cập trong phản ánh của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp, phối hợp chặt chẽ các lực lượng để triển khai nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; theo đó chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có điều chỉnh một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát hành trình và rà soát việc cấp phù hiệu xe hợp đồng để nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Đã điều chỉnh quy hoạch tuyến vận tải hành khách
Đối với vấn đề quy hoạch tuyến vận tải cố định, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng Khoản 4, Điều 24 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 2548/QĐ-BGTVT ngày 16/8/2016 của Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã điều chỉnh nội dung được nêu tại kiến nghị nêu trên của Hiệp hội.
Ngày 30/8/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2729/QĐ-BGTVT hướng dẫn về phương pháp tính toán công suất bến xe khách. Hiện nay các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện công bố công khai biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định.
Đã cắt giảm 79 và đơn giản hóa 228 thủ tục hành chính
Bộ Giao thông vận tải đang cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Việc rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính, các quy định đã và đang được Bộ triển khai trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Cụ thể, đối với hoạt động vận tải đường bộ, nội dung của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, đã được rà soát và điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ nhằm đơn giản hóa trong việc cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho phương tiện...
Bên cạnh đó, nhiều nội dung liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đang tiếp tục được rà soát, điều chỉnh.
Ngày 6/5/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó tổng số thủ tục được cắt giảm là 79 thủ tục hành chính (đạt 14,8%) và đơn giản hóa 228 thủ tục hành chính (đạt 42,8%).
Hiện nay Bộ Giao thông vận tải vẫn đang tiếp tục triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT.
Tiếp tục duy trì hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thông qua điện thoại, email, văn bản theo quy định tại Thông tư số 50/2011/TT-BGTVT ngày 30/9/2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Bộ đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 thay thế Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.
Tiếp tục triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 4447/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2015 ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải năm 2016.
Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục quán triệt, kiểm tra và triển khai thực hiện nghiêm việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn các ý kiến của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, đồng thời mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp và sự phối hợp chặt chẽ của Hiệp hội.