In bài viết

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra, giải quyết kiến nghị của ông Vì A Di

(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của ông Vì A Di (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã thi công tuyến tỉnh lộ 108, hạ độ cao ta luy dương. Khối lượng đất đá do thi công tràn xuống đầu khe Hua Mềnh, thông suốt đến bản Chả Lạy B, không thể bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân ở dưới bản, đây là nguyên nhân chủ yếu gây sạt, lũ quét.

21/09/2018 14:02

Đơn vị thi công hạ độ cao ta luy dương là Công ty CP Quản lý Xây dựng Giao thông I Sơn La. Công trình do Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La làm chủ đầu, việc hạ độ cao ta luy dương tại vị trí Km30 700 tuyến tỉnh lộ 108 hướng Thuận Châu đi lên Co Mạ và Km9 300 hướng Co Mạ đi Thuận Châu.

Ông Di có lô đất thổ cư ở bản Chả Lạy B, với tổng diện tích 540m2 tại Km6 400, tuyến đường Co Mạ - Bó Sinh. Tháng 5/2015, ông đã thuê máy xúc, san thành mặt bằng để dựng nhà ở. Ngày 2 và 3/8/2016, trời mưa to khiến đất đá trôi đổ theo khe xuống lấp hết nương, rẫy, hoa màu, nền nhà của người dân trong đó, nền nhà của gia đình ông bị lấp 90% diện tích.

Ông Di đã có đơn kiến nghị gửi Phòng Tiếp công dân UBND tỉnh Sơn La và được UBND tỉnh Sơn La chuyển đơn sang Sở Giao thông vận tải.

Theo trả lời của Sở Giao thông vận tải: “Qua kiểm tra thực tế hiện trường, công trình khắc phục sạt lở mái ta luy tại Km30 780, ĐT.108 được Sở Giao thông vận tải triển khai và hoàn thành tháng 5/2016, đất đá thải của công trình đã được đổ đúng nơi quy định; vị trí nền nhà (nền đất) của ông Vì A Di tại bản Chả Lạy B, xã Co Mạ nằm ngoài phạm vi thi công của công trình (cách vị trí xử lý sụt lở Km30 780, ĐT.108 khoảng 3km) nên đất đá thải trong quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến nền nhà của ông Vì A Di”.

Ông Di đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, quy định xả thải, mặt bằng thải, khe thải đất đá như thế nào là đúng? Phạm vi xử lý chất thải của công trình phải cách khu dân cư sinh sống bao nhiêu km thì nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng?

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 116 Luật Xây dựng quy định, trong quá trình thi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm: Lập và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng bao gồm môi trường không khí, môi trường nước, chất thải rắn, tiếng ồn và yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Khoản 3, Điều 109 của Luật Xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4447:2012 của Bộ Xây dựng tại các điểm:

2.6... Trong trường hợp không thể cân bằng giữa đất đào và đất đắp trong phạm vi công trình thì trong thiết kế tổ chức xây dựng công trình phải xác định vị trí bãi thải hoặc mỏ đất. Nếu vị trí bãi thải nằm trong hàng rào công trình thì phải bàn bạc thoả thuận với ban quản lý công trình. Nếu ở ngoài hàng rào công trình thì phải thoả thuận với chính quyền địa phương.

2.7. Đất thải phải đổ ở nơi trũng, ở vị trí những hố sâu tự nhiên (khe cạn, hõm núi, đầm lầy, những nơi bỏ hoang...). Khi quy định vị trí bãi thải đất phải xem xét những điều kiện địa chất và địa chất thủy văn, không được làm cản trở thoát nước và gây trở ngại cho thoát lũ. Khi hoàn thành thi công đất, bề mặt bãi thải phải được san bằng, và nếu thấy cần thiết thì phải trồng cỏ gia cố.

Văn bản số 14447/BGTVT-MT ngày 5/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải trong hoạt động giao thông, trong đó quy định:

- Thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về các bãi đổ thải; lập bình đồ các bãi đổ thải; tổ chức hướng dẫn và giám sát nhà thầu thi công thực thi.

- Vận chuyển, đổ chất thải thi công (như bùn, đất đào, bùn, đất, cát, sỏi, nạo vét; phế liệu, phế thải xây dựng;…) đúng vị trí bãi đổ thải đã thỏa thuận, đúng phương pháp và khối lượng quy định.

- Lập hồ sơ theo dõi việc vận chuyển, đổ chất thải thi công (thể hiện rõ: Khối lượng, ca máy, chuyến xe, vị trí nhận chất thải, vị trí đổ thải)…

Trên cơ sở các quy định nêu trên, qua phản ảnh của công dân Vì A Di, do khối lượng đất đá đơn vị thi công tuyến tỉnh lộ 108 hạ độ cao ta luy dương quá nhiều, tràn xuống đầu khe Hua Mềnh, mà khe Hua Mềnh không có gì che chắn, là khe thông suốt đến bản Chả Lạy B, không thể bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân ở dưới bản, đây là nguyên nhân chủ yếu gây sạt, lũ quét..., Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

- Đơn vị thi công để khối lượng đất đá tràn xuống lấp khe Hua Mềnh, cản trở thoát nước và gây trở ngại cho thoát lũ còn chưa đúng quy định. Đề nghị Sở Giao thông vận tải Sơn La chỉ đạo đơn vị thi công làm việc trực tiếp với công dân Vì A Di để xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

- Đề nghị Sở Giao thông vận tải Sơn La kiểm tra lại thủ tục của đơn vị thi công trong đó có thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về vị trí các bãi đổ thải và các quy định khác theo Văn bản số 14447/BGTVT-MT.

Mặt khác theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ năm 2018: “Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do UBND cấp tỉnh quy định”. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết kiến nghị của công dân Vì A Di trên tinh thần bảo đảm lợi ích và ổn định đời sống của công dân, bảo đảm theo các quy định.

Chinhphu.vn