In bài viết

Bộ GTVT: Đột phá chiến lược hạ tầng giao thông

(Chinhphu.vn) - Ngành giao thông đã xác định mục tiêu "đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đồng bộ với một số công trình hiện đại" là trọng tâm trong thời gian tới.

20/10/2015 07:24
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - Ảnh: VGP/Phan Trang
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về việc hiện thực hoá những mục tiêu mà Bộ đã đề ra trong Dự thảo góp ý Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội trình Đại hội Đảng, mặt hạn chế của hệ thống KCHTGT được nhận định là "chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao. Phát triển đường cao tốc và đầu tư nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng còn chậm; mạng lưới đường sắt khổ hẹp, lạc hậu; một số cảng biển, sân bay đã quá tải". Xin ông cho biết ý kiến của mình với tư cách là đại diện cơ quan quản lý?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông:
Phải thẳng thắn nhìn nhận, những hạn chế, bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được xác định trong Báo cáo tình hình KT-XH trình Đại hội Đảng là hoàn toàn xác đáng.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta thấp, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hạn hẹp (ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu hằng năm), trần nợ công khống chế; các cơ chế để huy động nguồn lực ngoài ngân sách chưa đầy đủ, đang tiếp tục phải hoàn thiện.

Trong Dự thảo góp ý vào Báo cáo chính trị, Bộ GTVT nêu rõ mục tiêu "đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống KCHTGT đồng bộ với một số công trình hiện đại", ông có thể nói cụ thể hơn về đột phá chiến lược này của Bộ GTVT không?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua đã xác định một trong 3 đột phá chiến lược gồm: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 5 năm 2011-2015 vừa qua, trong thời gian tới (2016-2020), ngành giao thông đã xác định mục tiêu "đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống KCHTGT đồng bộ với một số công trình hiện đại".

Cụ thể, về đường bộ, tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng để đến năm 2020 có khoảng 2.000-2.500 km đường cao tốc; nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía bắc, phía tây nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; tiếp tục đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới theo quy hoạch.

Về đường sắt, tập trung vào việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; trong đó ưu tiên tuyến Bắc-Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, khổ 1.435 mm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể sớm xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn.

Về hàng không, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không hiện có, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Về hàng hải, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện; khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; cải tạo, nâng cấp luồng tuyến, cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển khai thác đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020. Chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực.

Với đường thuỷ nội địa, ngành giao thông ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình; nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; phát triển vận tải sông pha biển.

Công tác giao thông vận tải đô thị và giao thông nông thôn, toàn ngành tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn vào khai thác ở Thủ đô Hà Nội và TPHCM; duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong khi các dự án đầu tư BOT vẫn đang gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều, các dự án đang phải thanh tra hiện nay thì trong mục tiêu Bộ đưa ra thời gian tới là "hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức" liệu có... mạo hiểm không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông:
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” đã xác định một trong những giải pháp chủ yếu để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng là "thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thoả đáng của nhà đầu tư. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng...". 

Hiện nay, hệ thống pháp luật, khung pháp lý cho các hình thức kêu gọi đầu tư tư nhân hay xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói chung và của ngành GTVT nói riêng đã được hình thành. Cụ thể, hệ thống các Nghị định của Chính phủ có liên quan như: Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,… Như vậy có thể thấy mục tiêu, giải pháp Bộ GTVT đưa ra trong thời gian tới là hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, để đạt được những kết quả khả quan về hạ tầng giao thông trong thời gian qua là do Bộ GTVT đã thực hiện tốt giải pháp đã được Nghị quyết 13-NQ/TW đề ra. Ngành giao thông đã thu hút được các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực, theo hình thức BOT, BT, nhượng quyền khai thác, cho thuê kết cấu hạ tầng... Kết quả trong giai đoạn 2011-2015, ngành giao thông đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỉ đồng (trên tổng số 202.556 tỉ đồng huy động được từ trước tới nay).

Theo ông, những mục tiêu Bộ GTVT đưa ra có khả thi không và Bộ đã có kế hoạch như thế nào để hiện thực hoá những mục tiêu này trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020 như nói trên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm đã đề ra như: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, minh bạch để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công các dự án kết cấu hạ tầng giao thông; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; tiếp tục nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát; đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Với dự báo kinh tế đất nước sẽ chuyến biến tích cực hơn trong giai đoạn tới, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự ủng hộ của nhân dân, Bộ GTVT tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn so với hiện nay, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Phan Trang (thực hiện)