In bài viết

Bộ GTVT phản hồi kiến nghị về thu phí trạm BOT Quốc lộ 38

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phương, trạm BOT Quốc lộ 38 trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã gây bất bình trong nhân dân. Ông Phương đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, trạm BOT đặt vị trí đó đã hợp lý chưa? Mức thu phí có hợp lý không?

28/03/2022 14:02

Bộ Giao thông vận tải trả lời vấn đề này như sau:

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức Hợp đồng BOT được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2350/QĐ-BGTVT ngày 20/6/2014 với Tổng mức đầu tư 1.679 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án 28,60 km (đoạn Bắc Ninh dài 18,26km; đoạn Hải Dương dài 10,34km). Tuyến đi qua TP. Bắc Ninh, huyện Tiên Du, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Cẩm Giàng, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương).

Điểm đầu dự án tại Km4+200 (địa phận tỉnh Bắc Ninh), điểm cuối dự án tại Km32+800 (giao với QL5, địa phận tỉnh Hải Dương).

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương; kết nối giao thương thuận tiện giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương.

Dự án có 1 trạm thu phí hở đặt tại Km11+625, QL38, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, thuộc phạm vi Dự án; áp dụng công nghệ thu phí không dừng và kết hợp 1 dừng.

Vị trí của trạm đã được tính toán, khảo sát và thống nhất trong Hợp đồng số 64/HĐ.BOT-BGTVT ngày 24/12/2014 giữa Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án.

Mức giá vé lượt đang áp dụng các loại hiện nay là: 35.000 đồng; 50.000 đồng; 75.000 đồng; 120.000 đồng; 180.000 đồng. Các mức giá vé này phù hợp với biểu khung mức giá thu phí được quy định được quy định kèm theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính.

Theo quy định của Hợp đồng Dự án, giá vé được điều chỉnh 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18% (các năm tăng giá vé trong Hợp đồng Dự án là: 2019; 2022; 2025, 2028, 2031, 2034). Dự án thu phí thực tế từ ngày 10/4/2018, đến nay Dự án chưa được tăng giá vé.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Dự án đã giảm giá vé loại 4 và 5 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Đồng thời, để xử lý bất cập về mức giá vé đối với người sử dụng phương tiện có hộ khẩu thường trú và trụ sở chính trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, Dự án đã giảm giá vé từ ngày 10/4/2018 đối với chủ phương tiện trên địa bàn 12 xã, bao gồm: Tân Chi, Minh Đạo, Lạc Vệ, Việt Đoàn thuộc địa bàn huyện Tiên Du; Đại Đồng Thành, Song Hồ, Hoài Thượng, An Bình, Mão Điền, thị trấn Hồ thuộc huyện Thuận Thành; Hán Quảng, Chi Lăng thuộc huyện Quế Võ với tỷ lệ giảm: Xe buýt công cộng 100%, xe kinh doanh 40%, xe không kinh doanh 50%.

Về thời gian thu phí và doanh thu của Dự án:

+ Thời gian thu hồi vốn của Dự án quy định trong Hợp đồng Dự án là 19 năm 1 tháng (dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2035). Ngày bắt đầu thu phí thực tế từ ngày 10/4/2018 (chậm 2 năm so với Hợp đồng).

+ Doanh thu theo phương án tài chính trong Hợp đồng Dự án các năm như sau: Năm 2016 (từ tháng 5/2016): 63,9 tỷ đồng; năm 2017: 104,7 tỷ đồng; năm 2018: 114,4 tỷ đồng; năm 2019: 147,4 tỷ đồng; năm 2020: 161 tỷ đồng; năm 2021: 175,4 tỷ đồng.

+ Doanh thu thực tế: Năm 2018 (thu từ ngày 10/4/2018): 39,9 tỷ đồng; năm 2019: 103,2 tỷ đồng; năm 2020: 80,4 tỷ đồng; năm 2021: 78,2 tỷ đồng.

Tỷ lệ doanh thu thực tế so với doanh thu theo Hợp đồng Dự án (tính từ tháng 4/2018 đến hết năm 2021) chỉ đạt 54,8%.

Do doanh thu thu phí thực tế không đạt theo dự kiến trong Hợp đồng Dự án dẫn đến Dự án gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng.

Chinhphu.vn